Gắn kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

14/08/2019 08:08 AM


Sáng 12/8, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Sáng 12/8, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Ảnh: VGP/Thế Phong

Tham dự hội nghị có đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và đại biểu đến từ 19 tỉnh, thành gồm: 14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. 

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, đứng thứ 2 cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% rộng nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Kết nối giữa hai miền Nam-Bắc. Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, chiều dài đường bờ biển 1.900 km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Đây là vùng cao nguyên rộng lớn có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, (chiếm 16,8% diện tích và 20% diện tích rừng tự nhiên cả nước), là nơi đầu nguồn của 5 con sông lớn có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái. Vùng có quy mô dân số 5,5 triệu người với 47 dân tộc thiểu số (1,5 triệu người). Vùng Tây nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây Nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung là 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, đây là 2 vùng tiềm năng, có thể tạo ra gắn kết để cùng phát triển. Cụ thể, với gần 1.900 km bờ biển, miền Trung rất có lợi thế về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ ra biển. Còn Tây Nguyên là nóc nhà của các tỉnh miền Trung, vì thế sự gắn kết giữa hai vùng sẽ tạo sự phát triển cao hơn. Trong kết nối này, quan trong nhất là kết nối giao thông ngang, kết nối Đông-Tây giữa các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực là cần thiết và mang lại hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận 3 nội dung gồm: Một là, đánh giá tình hình kế hoạch kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2019. Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2019, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2018, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2019 sát với thực tế. Tập trung làm rõ những vướng mắc, khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện kế hoạch; đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tỷ lệ giải ngân khối địa phương chỉ đạt 36,16%. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Hai là, về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020. 2020 là năm cuối có tính chất quyết định trong việc đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của cả nước cũng như các địa phương. Việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2020 cần bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là các chỉ tiêu chủ yếu như: GRDP; thu ngân sách… nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Ba là, về định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Mục đích là trao đổi những nội dung ban đầu về một số vấn đề có liên quan đến xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.  Giai đoạn 2016-2020 là lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn nhiều vấn đề, do đó cần rút kinh nghiệm để chúng ta xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hiệu quả và có tính khả thi cao hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 29/7/2019.  

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, Thừa Thiên-Huế cũng như nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Vùng; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho Vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trên tinh thần hợp tác, liên kết, Thừa Thiên-Huế cam kết đồng hành cùng với 19 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong liên kết, phát triển Vùng.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày các báo cáo về “Tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020 vùng miền Trung và Tây Nguyên”; “Định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025”.

Hội nghị đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận, tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cản trở trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Theo Chinhphu.vn