Phải làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động để phát triển bền vững
19/07/2019 07:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vấn đề quan trọng nhất của khối khoa giáo là phải cùng nhau phối hợp tốt hơn để làm chuyển biến trong nhận thức và từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò của khoa giáo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị giao ban Công tác khoa giáo Đảng 6 tháng đầu năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 18/7.
Khoa giáo hưng quốc
Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các bộ ngành về công tác khoa giáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, có rất nhiều vấn đề trong công tác điều hành cần phải có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ và các Ban Đảng, nhất là phối hợp trong những lĩnh vực có tính liên ngành, liên quan đến toàn xã hội để thực hiện tốt các văn bản, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong vấn đề này.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề quan trọng nhất của khối khoa giáo là cùng nhau phối hợp tốt hơn để làm chuyển biến trong nhận thức và từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò của khoa giáo.
Dẫn câu nói “khoa giáo hưng quốc”, Phó Thủ tướng cho rằng suy cho cùng muốn phát triển bền vững phải bảo đảm các vấn đề môi trường và xã hội. Đây là quy luật phát triển của các nước trên thế giới. Gần đây chúng ta đã có chú ý hơn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn,...
Do đó, “việc quan trọng nhất của khối chúng ta là phải tiếp tục làm chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Đấy chính là phát triển bền vững, đấy chính là bảo vệ chế độ, là tính ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. Mình phải tiếp tục làm tốt hơn cái này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Muốn khoa học phát triển phải gắn với kinh tế và chấp nhận rủi ro
Về một số nội dung cụ thể trong lĩnh vực khoa giáo, trước hết là vấn đề nghiên cứu, theo Phó Thủ tướng muốn khoa học phát triển phải gắn với kinh tế, phải có cơ chế để thúc đẩy khoa học phát triển.
Do vậy cần thiết kế cơ chế kinh tế phù hợp để “doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích và đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chứ không phải kêu gọi như vừa qua”; về vấn đề chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học cần phải có cơ chế về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học…
Quyết liệt hơn nữa, làm tốt hơn nữa việc dạy người
Thứ hai, trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa, làm tốt hơn nữa việc dạy người, dạy ý thức cho trẻ từ những việc nhỏ nhất như biết giữ vệ sinh chung, có tình yêu lao động, rèn luyện sức khỏe bản thân…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác quản lý nhà nước; xây dựng mô hình quản lý các trường công lập theo hướng đảm bảo dân chủ cơ sở, coi nhà trường là một thiết chế xã hội, thiết chế cộng đồng; kiên định đổi mới thi cử theo đúng lộ trình,…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề lớn liên quan đến việc đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư y tế cơ sở; kiên trì thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;… Về vấn đề bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác này cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong dạy dỗ trẻ em trên tinh thần bảo đảm kỷ cương và thương con cháu.
Thông tin phải đi trước mở đường
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian sắp tới.
Trước hết, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan, từ nay đến cuối năm tập trung tham mưu thật tốt cho Ban Bí thư tiến hành sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực khoa giáo theo đúng quy định của Đảng. Trên cơ sở tổng kết cần tiếp tục quán triệt, thể chế hóa, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.
Nhấn mạnh tính đa dạng và nhạy cảm của lĩnh vực khoa giáo đối với đời sống xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị cần dự báo tốt tình hình và chủ động thông tin, theo ông “ai đi trước về thông tin, người đó có cơ hội làm chủ được vấn đề và giải quyết được vấn đề một cách đúng đắn và đi đến thành công”. Tinh thần là trong lĩnh vực thông tin, chúng ta phải “đi trước mở đường”, chứ không để tình trạng “chạy theo nói lại”… thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, “chúng ta làm tốt là cái gốc, truyền thông tốt là cái ngọn. Nếu chúng ta làm tốt và truyền thông tốt thì rất hoan nghênh. Còn nếu chúng ta làm dở mà truyền thông tốt thì không vững bền, chỉ được một lúc thôi, diễn thôi”. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải làm tốt và tuyên truyền tốt.
Phối hợp chặt chẽ trong giải quyết những vấn đề phát sinh
Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan phải phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề phát sinh. Theo ông, những vấn đề của lĩnh vực khoa giáo rất nhạy cảm, tác động đến mọi tầng lớp xã hội, đến nhiều vùng miền,… cho nên cần phải giải quyết những vấn đề xã hội trên tinh thần cầu thị, khách quan, thẳng thắn, nhìn đúng vào bản chất của vấn đề để kịp thời phối hợp, xử lý.
Đồng thời, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý một số vấn đề cần tập trung như: Chính sách phát triển văn hóa; xây dựng và sử dụng đội ngũ trí thức; đầu tư cho các ngành hẹp nhưng rất cần cho sự phát triển bền vững của đất nước; xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập,…
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác khoa giáo đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cụ thể, về khoa học và công nghệ: Đã xây dựng Hệ tri thức Việt Nam và vận hành hiệu quả các cổng thông tin về khoa học, công nghệ; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khai thác phát triển tài sản trí tuệ; lan tỏa phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ; gặp gỡ tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu tạo sự lan toản ý nghĩa, vai trò của khoa học công nghệ và người làm khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc,…
Về giáo dục và đào tạo, báo cáo nêu rõ, các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, nâng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện; đổi mới công tác quản lý giáo dục; chính sách, cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục; tiếp tục rà soát, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Về giáo dục nghề nghiệp: Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuẩn bị xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phân luồng, liên thông trong đào tạo nghề, tăng cường tư vấn hướng nghiệp, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; triển khai các chương trình đào tạo chất lượng,… Về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, công tác quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao, một số trường dạy nghề trọng điểm đã được thực hiện; xây dựng được chuẩn đầu ra, các định mức kinh tế, kỹ thuật; nâng cao đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, cải thiện; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo,…
Về y tế: Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW qua việc thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam; đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các bệnh viện; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng bệnh viện xanh, sạch, đẹp. Đẩy mạnh công tác phòng bệnh, an toàn thực phẩm, y tế cơ sở, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, cải cách hành chính trong quản lý, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế, tăng độ bao phủ về bảo hiểm y tế. Tiếp tục cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về vấn đề này tiếp tục được hoàn thiện; các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nạn nhân từng bước được tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật…
Về thể dục thể thao và gia đình, báo cáo cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải thể thao quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2019; phong trào thể dục thể thao quần chúng được đẩy mạnh trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người cao tuổi, người khuyết tật,… công tác phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và nhiều vấn đề gia đình khác đã được quan tâm, chú trọng./.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...