Đặc biệt quan tâm việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh
10/07/2019 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 6 tháng đầu năm, các Bộ đã đặc biệt quan tâm, chú trọng việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới. Ở địa phương, nhiều kết quả điển hình cũng được ghi nhận.
Đây là đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 6 tháng qua.
Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương trong tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa có bước tiến thực chất.
Yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, cản trở phát triển, Thủ tướng nêu rõ, kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương, ở các ngành sẽ được đưa vào đánh giá thi đua cuối năm.
Trên thực tế, trong nửa đầu năm, những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các hoạt động kinh tế, xã hội, người dân và doanh nghiệp đã cho thấy những thông điệp mạnh mẽ trong phương thức điều hành chính sách theo hướng nhanh hơn, thể hiện quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, tiếp tục củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và người dân vào công cuộc cải cách và triển vọng kinh tế của đất nước.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai các yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, cơ quan, điển hình là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực tìm kiếm các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong tháng 5/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp trao đổi với nhóm chuyên gia Doing Business của Ngân hàng Thế giới để cập nhật các nội dung cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Những nội dung cải cách của Việt Nam được nhóm chuyên gia đánh giá cao và sẽ được kiểm chứng lại trong quá trình điều tra và phân tích dữ liệu để đưa vào đánh giá, xếp hạng trong Doing Business 2020 (dự kiến công bố vào tháng 10/2019).
Đối với 02 chỉ số thuộc lĩnh vực tư pháp (gồm Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp), trong quý II năm 2019, Bộ Tư pháp đã báo cáo, để xuất giải pháp, trình Thủ tướng Chính phủ về việc nâng xếp hạng 02 chỉ số. Bộ đang tiếp tục tập trung phối hợp với Toà án nhân dân tối cao xác định các giải pháp cải thiện các chỉ số này.
Ở địa phương, cũng có một số kết quả điển hình trong thực hiện cải cách ở một số chỉ số môi trường kinh doanh. Như về Khởi sự kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, thủ tục này trải qua 8 bước và mất 17 ngày. Một số địa phương đẩy mạnh cải cách chỉ tiêu này theo hướng tích hợp các bước thủ tục và rút ngắn thời gian, theo đó số thủ tục và thời gian giảm đáng kể. Ví dụ như số thủ tục giảm còn 5 bước; thời gian còn 5 ngày (tại Đồng Tháp), 8 ngày (Quảng Ninh)…
Về Tiếp cận điện năng, Nghị quyết số 02 đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện thủ tục này xuống còn 35 ngày. Ở một số địa phương, thực tiễn đạt hiệu quả cao hơn như Quảng Ninh, Ninh Thuận (24 ngày), Đồng Tháp (27 ngày)…
Về Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Nghị quyết số 02 đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện thủ tục này xuống dưới 120 ngày. Một số tỉnh, thành phố (như Quảng Ninh) thực hiện dưới 52 ngày.
Về Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản (quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất), Nghị quyết số 02 đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện thủ tục này xuống dưới 20 ngày. Kết quả được ghi nhận tại Đồng Tháp là 14 ngày, Quảng Ninh là 15 ngày.
Cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh
Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, theo báo cáo của các Bộ, trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá. Đa số các Bộ đã hoàn thành việc cắt bỏ, đơn giản hoá điều kiện đầu tư, kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, có một số Bộ đề xuất sửa đổi riêng từng Nghị định, nhưng đến nay vẫn còn Nghị định chưa được ban hành, ví dụ như Bộ Giao thông vận tải (03 dự thảo Nghị định), Bộ Tài chính (01), Bộ Tư pháp (01)…
Bên cạnh đó, theo thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được, mới chỉ có 02 Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 02 là “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”. Trong tháng 6 năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cắt giảm và dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Tuy vậy, vẫn còn có Bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Đồng thời, hầu hết các Bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát tình hình thực thi những cải cách này. Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp.Kiểm tra chuyên ngành chưa có cải cách đáng kể
Nhìn chung trong quý II năm 2019, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.
Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực của Bộ Công Thương (như kiểm tra formaldehyte trên sản phẩm dệt may, kiểm tra hiệu suất năng lượng, yêu cầu xin giấy phép bổ sung về phân phối rượu…) đang gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Những nội dung này đã được kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được Bộ quan tâm giải quyết.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới những ví dụ như thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte trong sản phẩm dệt may đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hợp quy theo lô. Quy định này không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước (vì vừa mất thời gian và chi phí kiểm tra theo lô như trước đây, vừa tốn kém thời gian và chi phí cho việc dán tem QR).
Một ví dụ khác, theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về quản lý kinh doanh rượu, thương nhân muốn nhập khẩu rượu trực tiếp phài có giấy phép phân phối rượu. Tuy nhiên, mỗi lần muốn nhập thêm rượu từ một nhà cung cấp mới, doanh nghiệp lại phải làm thêm thủ tục xin Bộ Công Thương cho cấp sửa đổi bổ sung. Yêu cầu này không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, song lại tạo ra rào cản khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động và tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 26/6/2019, 85% tổng số các nhiệm vụ đã được hoàn thành, 15% đang được triển khai tích cực.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước... "Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức. Các bộ, ngành và địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...