Phương châm của Chính phủ với ĐBSCL và hành động của doanh nghiệp
20/06/2019 10:11 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phương châm hành động của Chính phủ thời gian tới để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng.
Chính phủ yêu cầu xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch… tại ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì hội nghị quy mô quốc gia để đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó BĐKH, chúng ta phải huy động triệt để tâm sức, trí tuệ của các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn, phát huy vai trò của chính quyền các cấp, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của người dân.
Theo đó, Chính phủ thúc đẩy bằng chức năng kiến tạo, xác lập các cơ chế và chính sách để khuyến khích và thúc đẩy. Chính phủ tiếp tục bố trí lại, bổ sung nguồn lực, trước hết là hạ tầng cứng, đào tạo nhân lực. Doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cả kinh tế hộ lớn hành động bằng các dự án đầu tư cụ thể. Người dân hưởng ứng bằng tăng cường sự nhận thức, đồng thuận và tham gia cùng với Chính phủ và cộng đồng.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề như, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Chỉ có thể bằng các dự án của doanh nghiệp thì mới có chất xúc tác để trung hòa các tác động của BĐKH hay nước biển dâng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại Nghị quyết 120, một trong ba nội dung quan trọng mà Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, là xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng, kết hợp phát triển du lịch…
Qua hai năm triển khai Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp trọng tâm như khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách được giao tại Nghị quyết số 120 và Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của cơ chế chính sách huy động nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công tư cho phát triển bền vững ĐBSCL.
Gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp – nông dân
Riêng trong nông nghiệp, lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL, vai trò của các doanh nghiệp càng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng này vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do BĐKH và những "nút thắt" về mặt cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất ở ĐBSCL còn chậm, chưa có nhiều chuỗi giá trị hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản nên chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Năng lực thích ứng BĐKH và ứng phó với thiên tai của vùng chưa được cải thiện nhiều.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định, thách thức lớn của ĐBSCL trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH đó chính là thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm, chưa quy hoạch tổng thể được cơ cấu ngành cho toàn vùng và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120, các địa phương có thể giảm diện tích lúa để lựa chọn cây trồng có giá trị cao hơn hoặc chuyển sang nuôi thủy sản có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí vùng trồng lúa nào cần được thay thế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó, Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có có quy hoạch mới.
Người nông dân cũng cần có sự đổi mới, thay đổi tư suy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời tạo điều kiện để nông dân trong các vùng quy hoạch nông nghiệp sản xuất những cây, con cụ thể, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ.
Theo các chuyên gia tại hội thảo ngày 18/6 về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của BĐKH vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ những tác động của BĐKH. Các doanh nghiệp cần làm tốt việc nghiên cứu, đầu tư thỏa đáng cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH...
Tuy nhiên, nhận thức về BĐKH của doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đồng đều gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp cần huy động và tận dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như sự tự giác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất để đáp ứng yêu cầu chung; ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, các tỉnh trong vùng ĐBSCL tiếp tục nằm trong nhóm đứng đầu so với các vùng miền khác của cả nước về môi trường kinh doanh năm 2018. Tuy đã có được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng nhiều địa phương trong vùng vẫn chưa bằng lòng với kết quả đã đạt được và đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Theo VCCI Cần Thơ, năm 2018 điểm số PCI trung bình của các tỉnh vùng ĐBSCL là 64,31 điểm, tiếp tục đứng đầu cả nước và cao hơn năm 2017 là 0,91 điểm. Toàn vùng có 4 tỉnh có chỉ số PCI nằm trong top 10 địa phương cả nước đó là: Đồng Tháp đứng thứ 2, Long An thứ 3, Bến Tre thứ 4 và Vĩnh Long thứ 8.
Điểm mạnh nhất của các tỉnh vùng ĐBSCL có chỉ số thành phần đứng đầu cả nước trong năm 2018 đó là: các điểm số về tiếp cận đất đai , điểm số về chi phí thời gian, điểm số về chi phí không chính thức, điểm số cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của lãnh đạo…
Điểm yếu nhất của vùng đó là điểm số về đào tạo lao động. Năm 2018, điểm số này của vùng nằm trong top cuối so với các vùng miền khác trong cả nước. Chỉ số gia nhập thị trường đứng hàng thứ 5, chỉ trên được vùng Tây Nguyên, đồng thời điểm số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 nằm trong top cuối cả nước thì trong năm 2018 đã tăng lên xếp hàng thứ 3, sau khu vực Đông Nam bộ và khu vực duyên hải miền Trung, tuy nhiên đây cũng còn là điểm yếu của vùng cần tiếp tục cải thiện./.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...