Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho điều chỉnh giờ học, giờ làm

01/02/2012 07:33 AM


Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, kinh doanh thương mại đạt hiệu quả mong muốn và ít gây xáo trộn nhất.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để việc điều chỉnh giờ học, giờ làm, kinh doanh thương mại đạt hiệu quả mong muốn và ít gây xáo trộn nhất.

 

Ngày 1/2, Quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh giờ học tập, làm việc và kinh doanh sẽ bắt đầu được thực hiện.

 

Việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh thương mại tập trung chủ yếu vào 3 nhóm đối tượng chính: sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường trung học phổ thông; các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…; nhóm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Gần 1,5 triệu học sinh thay đổi giờ học

Ước tính có khoảng 900 trường với trên 510 ngàn học sinh trên tổng số hơn 2.500 trường học và gần 1,5 triệu học sinh trên toàn thành phố nằm trong diện cần thực hiện thay đổi này theo Quyết định số 315/QĐ-UBND (chiếm khoảng 30%).

Các bậc học khác nhau cũng sẽ chịu tác động ở những mức độ khác nhau, song cấp học chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là mầm non, tiểu học do học sinh mầm non phụ thuộc vào sự đưa - đón của người thân.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn khi tiến hành thay đổi giờ học, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, thay đổi một thói quen của một cá nhân đã khó, thay đổi nếp sinh hoạt của ngần ấy học sinh lại càng khó hơn. Tuy nhiên, hiện tượng ùn tắc ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã trở thành một “vấn nạn”, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, về thời gian của toàn xã hội. Ngành Giáo dục không thể đứng ngoài cuộc khi thành phố áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này, trong đó có việc điều chỉnh thời gian học tập và làm việc.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, quyết định của các cấp quản lý đã có, cần từng bước khắc phục khó khăn và thực hiện nghiêm túc. Sau đó, căn cứ vào thực tiễn triển khai, sẽ xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. 

Từ 1/2, Sở sẽ tổ chức 5 đoàn trực tiếp kiểm tra việc thực hiện quyết định 315/QĐ-UBND tại 12 quận, huyện. Sau 2 tuần đến 1 tháng, những ý kiến kiến nghị liên quan đến quyết định này sẽ được tổng hợp trình UBND thành phố xem xét.

Để việc thay đổi giờ học được diễn ra thuận lợi, ngay sau khi có Quyết định 315, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã có văn bản số 2958/SGD&ĐT-HSSV ngày 18/01/2012 để hướng dẫn các đơn vị thực hiện quyết định này. Sở đã triệu tập Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo 12 quận huyện, các hiệu trưởng trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông để nghiên cứu, quán triệt và yêu cầu thông báo đến từng gia đình học sinh. Theo đó, các đơn vị cần chủ động bố trí điều kiện cơ sở vật chất, sắp xếp lịch làm việc và học tập để thực hiện đúng quy định của thành phố, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động.

Trong tổng số hơn 510 ngàn học sinh thuộc đối tượng phải điều chỉnh giờ học, hơn 90 ngàn em là học sinh trung học phổ thông, trong đó có khoảng gần 40% (30 đến 35 ngàn em) học ca chiều. Với các lớp này, các trường cần đảm bảo đủ điện ánh sáng cho các em học tập khi trời tối...

Đổi giờ, tăng chuyến nhiều tuyến buýt

Để cho phù hợp và phục vụ tốt việc đổi giờ của thành phố, từ 1/2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch đổi giờ hoạt động của nhiều tuyến buýt.

Cụ thể, từ 1/2, sẽ điều chỉnh giờ cao điểm của xe buýt sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 4h30 đến 7h30 (hiện nay giờ cao điểm của xe buýt sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 4h30 đến 6h30).

Sở Giao thông vận tải cũng điều chỉnh giãn cách chạy xe giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay xuống 7 phút lượt với các tuyến buýt chạy qua nhiều trường đại học, cao đẳng. Riêng các tuyến buýt nhanh như 02, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được điều chỉnh lại giờ chạy và tăng thêm chuyến, lượt; với 6 tuyến chạy qua nhiều trường đại học, cao đẳng như 02, 16, 27, 28, 32, 39 sẽ được tổ chức thêm 37 lượt/ ngày.

Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố cũng làm việc từ 6 giờ sáng.

Đề án điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Đây là một trong số những giải pháp mà Hà Nội cùng với Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện và sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong thời gian tới song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô.

Phương án này cho đến nay vẫn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân và các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội.

Khung giờ mới:

- Nhóm sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề và học sinh trung học phổ thông: Vào học từ trước 7h và kết thúc sau 19h.

- Nhóm học sinh các trường mầm non, trung học cơ sở: Vào học từ 8h, chiều kết thúc vào 17h, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7h30 và trả đến 17h30.

- Cán bộ, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) bắt đầu làm việc từ 8h và kết thúc vào 17h.

- Nhóm Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) bắt đầu làm việc từ 9h và kết thúc vào 19h.

 - Các nhóm đối tượng khác: Thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.

Theo Chinhphu.vn