Nhìn lại việc đơn vị sử dụng lao động giữ lại 2% theo Luật Bảo hiểm xã hội

04/03/2010 07:41 AM


Luật Bảo hiểm xã hội ra đời thay thế cho Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với quyền lợi chính đáng của người lao động. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, Luật Bảo hiểm xã hội đã dần dần đi vào cuộc sống.

Luật Bảo hiểm xã hội ra đời thay thế cho Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với quyền lợi chính đáng của người lao động. Có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, Luật Bảo hiểm xã hội đã dần dần đi vào cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận những ưu việt của Luật Bảo hiểm xã hội, song có một việc gây khó khăn cho cả cơ quan Bảo hiểm xã hội lẫn đơn vị sử dụng lao động so với quy định trước đó ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động, đó là vấn đề đơn vị sử dụng lao động giữ lại 2% để kịp thời chi trả các chế độ ngắn hạn cho người lao động.

Xét về mặt lý thuyết thì việc giữ lại 2% này là rất tốt, bởi chỉ trong vòng 3 ngày làm việc, sau khi người lao động tập hợp đầy đủ các chứng từ liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, hay nghỉ dưỡng sức (nếu có) là có thể nhận được tiền chế độ từ người sử dụng lao động.

Tuy nhiên trên thực tế điều này chỉ có thể được thực hiện đối với những đơn vị lớn - những đơn vị có số kinh phí 2% được giữ lại cao có cán bộ chuyên lo công tác này, nhưng số này là không nhiều. Đối với những đơn vị có số lao động ít, quỹ lương thấp số 2% để lại không đáng kể, nếu có phát sinh ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức thì phải chờ đến cuối quý cơ quan Bảo hiểm xã hội mới cân đối tình hình sử dụng kinh phí 2% rồi mới chuyển bổ sung cho đơn vị (nếu thiếu).

Trường hợp nếu đầu quý mà chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phát sinh nhiều và dự kiến 2% giữ lại của cả quý là không đủ, thì đơn vị sử dụng lao động có quyền đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho ứng kinh phí để chi trả kịp thời cho người lao động. Tuy nhiên cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng chỉ cho ứng số kinh phí sau khi đã trừ ra số 2% của cả quý đơn vị giữ lại so với tổng số tiền ốm đau, thai sản, dưỡng sức phát sinh (đây chính là một nhược điểm mà không thể khắc phục). Bởi vậy có trường hợp phải đến tháng cuối quý thì người lao động mới nhận được đầy đủ tiền chế độ.

Ngoài ra khi có phát sinh ốm đau, thai sản, dưỡng sức thì đa số đơn vị sử dụng lao động cũng không chi ngay cho người lao động theo quy định mà họ chỉ thực hiện điều này sau khi chứng từ đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội thẩm định (bởi đơn vị sợ bản thân họ giải quyết không chính xác, nếu có sai sót thì khó thu hồi). Nếu vấn đề này mà phổ biến thì việc giữ lại 2% để chi trả kịp thời các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho người lao động không còn ý nghĩa.

Từ thực tế đó, thiết nghĩ Quốc hội nên xem xét lại quy định để lại 2% cho các đơn vị sử dụng lao động để chủ động giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động cho phù hợp hơn.

Tinhkhtc