Từ 15/02/2010 điều kỉện hưởng một số chế độ BHXH được mở rộng

20/01/2010 08:10 AM


Ngày 30/12/2009 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 41/2009/TT – BLĐTBXH về hướng dẫn sửa đổi, bổ sung thông tư số 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngày 30/12/2009 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 41/2009/TT – BLĐTBXH về hướng dẫn sửa đổi, bổ sung thông tư số 03/2007/TT- BLĐTBXH ngày 30/01/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, kể từ ngày 15/02/2010 điều kiện hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội được mở rộng, bao gồm:

Về chế độ thai sản: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 5 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP áp dụng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ có thời gian làm việc từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.

Về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Về chế độ hưu trí: Cách tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí quy định tại khoản 9 Điều 58 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Khi xác định điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ hưu trí hằng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng.

b) Người lao động đã đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí song thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa không quá 6 tháng, thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng mức đóng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP theo mức tiền lương, tiền công trước khi nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí. Thời điểm hưởng lương hưu của đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng đủ thời gian 20 năm đóng và nộp đủ hồ sơ.

Về chế độ tuất: Cách tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ tử tuất quy định tại khoản 9 Điều 58 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:

a) Khi xác định điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng chế độ tử tuất hằng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng.

b) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 15 năm nếu còn thiếu tối đa không quá 6 tháng (kể cả người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) mà bị chết, nếu có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hằng tháng, thì thân nhân được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng mức đóng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP theo mức tiền lương, tiền công tháng trước khi người lao động chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) để được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng. Thời điểm hưởng tuất hàng tháng của các đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết.

Thanh Vân