Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ

07/01/2010 03:59 PM


Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Muốn có cán bộ tốt thì phải xây dựng được nguồn cán bộ, sau đó sẽ đào tạo và bồi dưỡng họ”. Nguồn “cán bộ tốt ” là tập hợp những người có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Muốn có cán bộ tốt thì phải xây dựng được nguồn cán bộ, sau đó sẽ đào tạo và bồi dưỡng họ”. Nguồn “cán bộ tốt ” là tập hợp những người có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Hệ thống các chủ trương, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chính là nội dung của công tác quy hoạch cán bộ. Chính vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã coi trọng công tác cán bộ.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thống nhất công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Điều lệ, chủ trương của Đảng từ trước đến nay cũng quy định như vậy. Theo đó, quy hoạch cán bộ là một khâu cơ bản trong công tác cán bộ nhằm chủ động tạo nguồn nhân sự trẻ, tập hợp được nhiều nhân tài, làm cơ sở cho việc đào tạo, bố trí, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đảm bảo về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý và sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.

Hiện nay, hệ thống BHXH trở thành trụ cột chính của các chính sách an sinh xã hội. Đội ngũ cán bộ viên chức (CBVC) ngành BHXH là nhịp cầu nối quan trọng đưa các chính sách an sinh của Nhà nước đi vào đời sống xã hội. Hiệu quả của các chính sách xã hội phần lớn phụ thuộc vào đội ngũ những người trực tiếp thực hiện chính sách này. Do đó, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ là nội dung trọng yếu của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Thực hiện Nghị quyết số 42- NQ/TW(30/11/2004) của Bộ Chính trị và các quy định của Ngành, BHXH Gia Lai đã đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ qua các mặt như:

- Có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Đồng thời đảm bảo sự sâu sát, công tâm và có tính khả thi trong thực tế. Tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai trong tập thể cấp ủy và lãnh đạo cơ quan. Tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia phát hiện, giới thiệu và giám sát, ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ.

- Thực hiện nguyên tắc công khai trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là nội dung mới trong Nghị quyết số 42 của Bộ chính trị. Thực tế cho thấy, việc công khai quy hoạch là đúng đắn, có nhiều ưu điểm hơn so với việc không công khai, bởi nó động viên tinh thần và tạo cơ sở có tính pháp lý để CBVC cố gắng phấn đấu, trưởng thành.

- Triển khai phương châm “ động”,“ mở” trong quy hoạch CBVC. Quy hoạch “động” là quy hoạch một chức danh cho nhiều người, một người được dự trù vào 2-3 chức danh. Không phải khi đã đưa vào danh sách quy hoạch là xong mà phải thường xuyên nhận xét, đánh giá để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

- Mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm CBVC trẻ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch cán bộ công chức, viên chức phụ thuộc vào việc thực hiện một cách đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, trong đó khâu bố trí sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức viên chức là quan trọng nhất. Tuy nhiên, để thu hút và sử dụng được người tài giỏi, phát huy tối đa năng lực, sở trường công tác của từng CBVC, tạo điều kiện và cơ hội công bằng cho CBVC thăng tiến, nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng và quản lý CBVC cũng nên lưu ý:

- Cần có nhiều loại quy hoạch CBVC trong hệ thống, không nên chỉ có một loại quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và cần phân biệt rõ giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý và quy hoạch cán bộ chuyên môn . Một số CBVC không muốn hoặc không có sở trường làm lãnh đạo, quản lý hoặc lý lịch bản thân, gia đình họ không phát triển Đảng được thì cũng cần quan tâm, quy hoạch, bồi dưỡng họ trở thành CBVC giỏi chuyên môn. Tức là công tác quy hoạch cần mở rộng đến cả những người tài, đức ở ngoài Đảng.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ CBVC. Gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí sử dụng CBVC. Đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch là lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu. Nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản, đồng thời đào tạo theo tiêu chuẩn, chức danh đã được Ngành quy định.

- Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, nhiệm vụ của từng đơn vị để đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBVC. Liên hệ, phối hợp với các đơn vị chức năng để cử CBVC tham gia các lớp học đạt chuẩn chức danh về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước...

- Những CBVC được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành nào nên sử dụng đúng chuyên môn để phát huy kiến thức được học. Mạnh dạn sử dụng CBVC trẻ, có triển vọng phát triển đã được đào tạo đủ chuẩn chức danh.

- Cấp ủy đảng và lãnh đạo đơn vị từ nhận thức sâu sắc mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBVC có chủ trương, kế hoạch cụ thể trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ CBVC. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát huy những ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị.

Xác định mục tiêu của quy hoạch là chọn lựa được những CBVC có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận, dự bị. Từng bước thử thách, giao nhiệm vụ từ thấp đến cao , bồi dưỡng ở trường, lớp và trong thực tiễn nhằm tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Do đó, xây dựng, phát triển Ngành ngày càng vững mạnh, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

SK