Làm gì để tất cả học sinh, sinh viên được hưởng chế độ BHYT theo quy định mới

08/10/2009 09:36 AM


Trong những năm học qua, đối với tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 về công tác BHYT, Chỉ thị số 23/2006/CT - TTg về việc tăng cường công tác y tế trong trường học đã đem lại những kết quả nhất định. UBND tỉnh ban hành công văn số: 1707/UBND-VX ngày 27/6/2007 về việc triển khai BHYT học đường

Trong những năm học qua, đối với tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện Nghị định 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 về công tác BHYT, Chỉ thị số 23/2006/CT - TTg về việc tăng cường công tác y tế trong trường học đã đem lại những kết quả nhất định. UBND tỉnh ban hành công văn số: 1707/UBND-VX ngày 27/6/2007 về việc triển khai BHYT học đường; Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng phối hợp với sở Giáo dục-Đào tạo ký liên tịch ban hành văn bản số: 318/GDĐT-BHXH ngày 19/7/2007 về việc hướng dẫn công tác BHYT học đường. BHXH tỉnh đã chú trọng hằng năm tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người làm đại lý của các trường học về công tác tuyên truyền, công tác thu phí BHYT đối với học sinh, sinh viên (HS-SV) tham gia BHYT.

Trước khi bước vào năm học mới, BHXH tỉnh phối hợp với sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện công tác BHXH, BHYT cho cán bộ, giáo viên và BHYT cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Thông qua các kênh thông tin đại chúng và Trang thông tin điện tử BHXH Gia Lai đã tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, học sinh hiểu về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT; trách nhiệm của mỗi phụ huynh và giáo viên với việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong nhà trường. Trên cơ sở ấy việc mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước. Tính đến nay diện bao phủ số trường tham gia BHYT đạt trên 62%, tỷ lệ HS-SV viên trên toàn tỉnh (tính cả số đối tượng học sinh người nghèo, đồng bào DTTS và đối tượng khác) được hưởng chế độ BHYT lên đến 70%. Các cơ sở khám chữa bệnh và đơn vị trường học đã từng bước tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh theo tinh thần nội dung thông tư 03/2000/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 01/3/2000 của Bộ Y tế, Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn công tác y tế trường học; các trường học đã sử dụng kinh phí trên 2 tỷ đồng do cơ quan BHXH để lại chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên đạt kết quả nhất định. Các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận bình quân số lượt HS-SV khám chữa bệnh hàng năm có trên 30 nghìn lượt người. Mức thanh toán chi phí KCB có năm lên đến trên 6 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều em được thanh toán chi phí KCB lên đến hàng triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan BHXH đã chi hỗ trợ tử vong 51 học sinh có tham gia BHYT với số tiền 51 triệu đồng. Ngoài ra một số em học sinh trong hoàn cảnh đặc biệt cũng được BHXH tỉnh hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên trước tình hình mới, HS-SV là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BHYT. Vậy thiết nghĩ cả cộng đồng đều có trách nhiệm trong việc đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên. Các ngành, các cấp cần tổ chức quán triệt Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07/09/2009 cuả Ban bí thư Trung ương Đảng và triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 14/11/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009, các văn bản dưới Luật một cách nghiêm túc, sâu rộng đến mọi người dân để thực hiện. Đặc biệt nhằm để xã hội, nhất là lực lượng giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu rõ được những điểm mới quy định về mục đích, ý nghĩa chính sách, chế độ BHYT đối với HS-SV. Trước mắt, trong năm học 2009 – 2010, năm học chuyển tiếp về trách nhiệm HS-SV phải thực hiện nghiêm Luật BHYT. Ngành Giáo dục-Đào tạo, Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai hướng dẫn đến các cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư số 09/2009/TTLT -BYT-TC ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế-Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và Công văn số 2279/UBND-VX ngày 3/8/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai V/v tiếp tục thực hiện BHYT trong trường học. Các đơn vị trường học cần chú ý trong việc thực hiện đối tượng thu BHYT là HS-SV đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Không tổ chức thu nộp BHYT đối với HS-SV thuộc các nhóm đối tượng là con của sỹ quan Quân đội nhân dân, nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân, cơ yếu, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số … đã được cấp thẻ BHYT bắt buộc, nhưng yêu cầu phải photocopy thẻ BHYT đã được cấp. Nhà trường chỉ lập danh sách theo dõi riêng nhóm đối tượng này để làm căn cứ phân bổ kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học và tính tỉ lệ % HS-SV tham gia chung của nhà trường.

Về mức đóng: Từ ngày 01/7/2009 đến 31/12/2009 thực hiện thu theo mức quy định tại Thông tư Liên tịch 14/2007/TTLT- BYT-BTC ngày 10/12/2007 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính và thẻ BHYT chỉ có giá trị sử dụng đến 31/12/2009. Từ ngày 01/01/2010 các nhà trường sẽ thực hiện thu theo quy định tại NĐ: 62/2009/NĐ-CP. Để kịp thời cấp thẻ BHYT sử dụng, BHXH sẽ cấp thẻ BHYT HS-SV từ ngày 01/10/2009. Những đơn vị trường học chưa thu mức phí từ ngày 01/01/2010 thì đến tháng 11 hoặc 12/2009 tiếp tục thu phí HS-SV cả năm 2010 để được liên tục được hưởng BHYT theo Luật định.

Thiết nghĩ, trong thời gian đến các ngành, các cấp nhất là trong nhà trường cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức sâu sắc BHYT HS-SV là một chính sách xã hội mang tính nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu đào tạo con người cả về trí lực và thể lực, đồng thời góp phần vào việc thực hiện mục tiêu của Đảng ta về tiến tới BHYT toàn dân; ngành Giáo dục - Đào tạo và Y tế cần tăng cường chỉ đạo tốt các cơ sở KCB, nhà trường thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT TTg ngày 12/7/2006 của Chính phủ và Thông tư số 14/2007/TT BTC ngày 08/3/2007 Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện công tác y tế trường học. Có như vậy mới hy vọng chế độ BHYT mới đến tất cả HS-SV trong toàn tỉnh./.

Thanh Vân