Nhớ mãi tên anh

08/09/2009 10:19 AM


Để có ngày đất nước hoà bình, non sông nối liền một dãy, bao lớp thanh niên lên đường ra trận với khí thế: “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhiều người đã ngã xuống, máu đã nhuốm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, đất mẹ Chư Prông nuôi dưỡng, che chở các anh, những người con anh dũng, trong số đó có chàng trai Võ Trọng Phúc quê ở Hưng Xá - Hưng Nguyên - Nghệ An.

      Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến dịp 27/7, Quốc khánh và Tết Nguyên đán tôi và anh em trong Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện lại đến nghĩa trang huyện viếng hương hồn các liệt sỹ, những người đã anh dũng hy sinh dành độc lập tự do cho tổ quốc. Nghĩa trang Chư Prông toạ lạc trên khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ quý, hồ nước, non bộ, đài tưởng niệm. Toàn cảnh nghĩa trang là bức tranh hài hoà, sinh động của núi non, sông nước, những dãy mộ bằng đá granit chạy dài thẳng tắp, nhiều người đến đây trầm trồ trước vẻ đẹp của nghĩa trang Chư Prông, một trong các nghĩa trang cấp huyện đẹp nhất hiện nay. Đây là nơi an nghỉ của hơn 1.800 con người sinh ra và lớn lên từ khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu và ngã xuống nơi chiến trường Chư Prông, những người tham gia trận đánh Pleime lịch sử tiêu diệt gọn 1 chiến đoàn cơ giới hỗn hợp quân Sài Gòn, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 2.974 tên địch trong đó có 1.700 tên Mỹ, phá huỷ 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay mở đầu chiến dịch đánh vào quân Mỹ đầu tiên ở Tây nguyên.

      Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước ghi nhận những năm 1967-1968 sau thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ Đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt với đội quân Mỹ và chư hầu lên tới gần nửa triệu tên gồm 22 sư đoàn, 17 lữ đoàn cùng với khối lượng lớn vũ khí hiện đại phản công ào ạt nằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não cách mạng. Thực hiện chiến thuật hai gọng kìm tiêu diệt và bình định, chiến trường Tây nguyên ở giai đoạn ác liệt nhất, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Với quyết tâm xây dựng Tây nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn, có đội quân chủ lực làm nòng cốt thúc đẩy bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển tiêu diệt và tiêu hao lực lượng địch, thu hút và giam chân chủ lực địch tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nối dậy, quân và dân Gia Lai đã sát cánh đấu tranh đẩy địch vào thế bị động đối phó dành nhiều thắng lợi vang dội.

      Để có ngày đất nước hoà bình, non sông nối liền một dãy, bao lớp thanh niên lên đường ra trận với khí thế: “Xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhiều người đã ngã xuống, máu đã nhuốm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, đất mẹ Chư Prông nuôi dưỡng, che chở các anh, những người con anh dũng, trong số đó có chàng trai Võ Trọng Phúc quê ở Hưng Xá - Hưng Nguyên - Nghệ An. Tuổi đời 17 vừa học xong phổ thông anh xung phong lên đường nhập ngũ. Vượt trường sơn chiến đấu tại chiến trường Tây nguyên năm 1972 trong trận chiến tại thung lũng IaDrăng anh đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh trong tiếc thương của đồng chí, đồng đội. Hoà bình lập lại hài cốt liệt sỹ Võ Trọng phúc được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Chư Prông. Thông tin từ đồng đội, năm 2001 gia đình anh đã tìm thấy mộ và thường xuyên đi lại thăm nom, săn sóc. Cũng từ đó cán bộ viên chức BHXH huyện Chư Prông - những người đồng nghiệp của anh Võ Trọng Nhữ, người anh cả của liệt sỹ lúc bấy giờ là Giám đốc BHXH huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã coi liệt sỹ như người thân và thay gia đình thường xuyên hương khói nơi phần mộ.

      Một chiều cuối tháng 8/2009 tôi đang thu gom tài liệu chuẩn bị ra về thì nhận được điện thoại của BHXH tỉnh Gia Lai báo tin thân nhân liệt sỹ Võ Trọng Phúc vào Chư Prông di dời hài cốt liệt sỹ về quê. Một chút bất ngờ xen lẫn bùi ngùi và tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì sau 37 năm xa cách nay Liệt sỹ được về quê sum họp trong tình thương của người thân và bè bạn, buồn vì cảm giác sắp xa một người thân nơi cõi vĩnh hằng mà mỗi khi bước chân đến nghĩa trang này chúng tôi thường tới thắp nén hương đầu tiên lên phần mộ trong những lần đến viếng linh hồn các liệt sỹ.

      Nước có nguồn, con chim có tổ, ước nguyện của gia đình đưa anh về quê cha đất tổ đã được toại nguyện khi Nhà nước có chủ trương cho phép thân nhân liệt sỹ đi dời hài cốt liệt sỹ về quê. BHXH tỉnh Nghệ An bố trí 1 xe 12 chỗ ngồi đưa gia đình vào Gia Lai di dời mộ liệt sỹ, BHXH tỉnh Gia Lai cũng cử 1 đoàn công tác do Phó Giám đốc Phạm Văn Thảo dẫn đầu cùng 1 số cán bộ viên chức khác đi cùng giúp đỡ, đồng thời chỉ đạo cho BHXH huyện Chư Prông đón tiếp chu đáo, tạo điều kiện tốt nhất để gia đình thực hiện di dời hài cốt liệt sỹ Võ trọng Phúc về quê. Buổi sáng ngày 27/8 mọi hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất. Nghi lễ được cử hành trang nghiêm, thành kính. Vòng hoa của BHXH huyện Chư Prông mang dòng chữ “BHXH huyện Chư Prông kính viếng hương hồn liệt sỹ Võ Trọng Phúc” được đặt trang trọng nơi làm lễ rước. Dưới suối vàng anh Phúc chắc cũng mỉm cười đang chia tay đồng đội, bịn rịn với mảnh đất quê hương thứ 2 yêu dấu. 4h10 phút sáng ngày 28/8/2009 nắp mộ liệt sỹ đã được bật mở, hài cốt liệt sỹ được chuyển vào quách nhỏ phủ trên là cờ đỏ sao vàng diễu hành qua các hàng mộ vẫy chào đồng đội sau đó được chuyển đến khán đài chính làm lễ và lên xe về Hưng Nguyên - Nghệ An. Đoàn công tác BHXH tỉnh cùng viên chức BHXH huyện Chư Prông luôn có mặt cùng gia đình trong suốt quá trình di dời hài cốt liệt sỹ.

      Cảm động trước sự nhiệt tình của các đồng nghiệp Gia Lai, Ông Võ Trọng Nhữ - Trưởng phòng tiếp nhận và quản lý hồ sơ tỉnh Nghệ An thay mặt gia đình đã nói lên những lời tốt đẹp nhất cám ơn BHXH tỉnh Gia Lai, BHXH Chư Prông đã dành cho gia đình tình cảm nồng ấm, sự giúp đỡ chân thành và xin được mang 1 nắm đất cùng vòng hoa về quê để ghi nhận tình cảm của những con người đang sống và làm việc ở mảnh đất mà gần 40 năm trước đây em mình đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng.

      Chiến tranh đã qua đi, niềm vui đã trở lại với mỗi gia đình khi đất nước hoà bình, độc lập nhưng vẫn còn đó nỗi đau của những gia đình khi người thân đi mãi không về, nhiều hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy còn nằm rãi rác trong những cánh rừng, nhiều người mất đi một phần xương thịt suốt đời tàn phế, con cháu của họ vô tri, vô giác bởi chất độc hoá học Mỹ rãi xuống chiến trường. Nhân dân mãi tri ân đối với hàng triệu người con ưu tú, hàng vạn các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh xương máu để có được cuộc sống ngày hôm nay. Bảo vệ thành quả cách mạng, mỗi người chúng ta hãy làm việc hết sức mình cho sự phồn vinh của dân tộc, hãy quan tâm hơn, làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, hãy gìn giữ đạo đức lối sống, xứng đáng với hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ.

      Nhớ mãi tên anh, chia tay anh, viết mấy dòng thay nén hương trầm thắp trên phần mộ mới nơi quê hương Hưng Xá, cầu mong linh hồn anh siêu thoát về nơi cõi vĩnh hằng, mong anh phù hộ cho đất nước thanh bình để khắp nơi rộn rã tiếng cười, người với người sống trong yêu thương, đầm ấm không gia đình nào có cảnh chia ly.

      Một số hình ảnh tại buổi lễ:


 

 

Phạm Ngọc Tú