Bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động trong các doanh nghiệp

12/08/2009 07:56 AM


Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các doanh nghiệp bao gồm người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ). Xét ở một góc độ BHXH về BHXH bắt buộc, khi quan hệ lao động phát sinh, người SDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ theo quy định

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các doanh nghiệp bao gồm người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ).

Xét ở một góc độ BHXH về BHXH bắt buộc, khi quan hệ lao động phát sinh, người SDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH và hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ theo quy định và đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Phương thức đóng BHXH là hàng tháng, chậm nhất vào ngày làm việc cuối cùng của tháng người SDLĐ phải đóng đầy đủ số tiền BHXH vào quỹ BHXH theo quy định (trường hợp trả lương, trả công lao động theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp nông-lâm-ngư-diêm nghiệp thì phương thức đóng có thể theo quý hoặc 6 tháng một lần).

Tổ chức BHXH có trách nhiệm thực hiện thu BHXH và cấp sổ BHXH theo quy định; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ và chi trả các chế độ BHXH đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn theo quy định của Luật BHXH.

Một cách khái quát nhất, mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của NLĐ; mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẽ giữa những người tham gia BHXH. Theo quy định, đóng BHXH đến thời điểm nào thì được tính hưởng các chế độ BHXH đến thời điểm đó. Thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH phải đảm bảo đầy đủ, hợp lệ và nộp cho tổ chức BHXH đúng thời gian quy định thì NLĐ sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHXH.

Quy định là như vậy, song trên thực tế có nhiều trường hợp người SDLĐ chậm đóng BHXH cho NLĐ, có đơn vị SDLĐ chậm đóng nhiều tháng, thậm chí chậm đóng 1 năm đến 2 năm. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH, nhất là các trường hợp nghỉ ốm đau, thai sản đã không được giải quyết chế độ BHXH chỉ bởi vì đơn vị SDLĐ chưa đóng BHXH trong thời gian họ nghỉ việc hưởng BHXH. Trong khi vấn đề xử lý chậm đóng BHXH chưa hiệu quả, chế tài đã có nhưng chưa đủ mạnh, vì mức xử phạt hành chính cao nhất cũng chỉ đến 20 triệu VND, trong lúc có đơn vị SDLĐ nợ tiền BHXH lên đến hàng tỷ đồng. Khi tổ chức BHXH khởi kiện hoặc tạm thời đưa tên đơn vị SDLĐ ra khỏi sổ, báo cáo nghiệp vụ thu BHXH thì đơn vị SDLĐ mới chịu đóng BHXH cho NLĐ, tuy nhiên lúc này NLĐ đã không còn được hưởng chế độ BHXH (chế độ ốm đau, thai sản) mà đáng ra họ đã được hưởng nếu người SDLĐ đóng BHXH đúng thời gian quy định trong lúc họ nghỉ việc đó.

 


Như vậy, việc dây dưa, chây ì nợ đọng BHXH của người SDLĐ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của NLĐ khi không may họ bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay lúc thai sản phải nghỉ việc hưởng BHXH, nhưng lại không có tiền để lo toan những khó khăn trong cuộc sống của họ. Vì đơn vị SDLĐ chưa đóng BHXH thì tổ chức BHXH không thể giải quyết chế độ cho NLĐ được. Trong khi người SDLĐ hàng tháng được quyền trích tiền từ tiền lương, tiền công của NLĐ để đóng BHXH nhưng họ lại chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH gây thiệt hại cho NLĐ, bản thân NLĐ lại bị thụ động hoàn toàn trước việc đóng BHXH cho chính họ, cho nên việc chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH cho NLĐ trong thời gian dài có thể coi là hành vi chiếm dụng tài sản công dân. Vấn đề không chỉ là thiệt hại quyền lợi của NLĐ mà còn làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.

Để đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHXH của NLĐ, trước hết cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người SDLĐ trong việc tham gia và đóng BHXH cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Về phía NLĐ cần nhận thức và hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm trong mối quan hệ về lao động tại đơn vị SDLĐ để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc đề xuất, kiến nghị, phản ảnh với các cơ quan chức năng liên quan và tổ chức Công đoàn để được bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; giám sát của Mặt trận và các Đoàn thể nhân dân đối với việc chấp hành pháp luật về lao động, pháp luật về BHXH tại các đơn vị SDLĐ. Nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn tại các đơn vị SDLĐ trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tổ chức BHXH phải thực hiện đúng các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn và các văn bản có liên quan về chính sách BHXH, xây dựng tác phong làm việc theo hướng phục vụ NLĐ. Có chính sách khuyến khích và khen thưởng kịp thời các đơn vị SDLĐ chấp hành tốt quy định của pháp luật về BHXH.

Đối với các trường hợp nợ đọng BHXH dây dưa, kéo dài, các cơ quan chức năng liên quan, nhất là cơ quan lao động địa phương, tổ chức công đoàn và tổ chức BHXH phải có sự phối hợp đồng bộ, xác định rõ nguyên nhân nợ đọng BHXH để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật. Ngoài việc xử lý hành chính của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức BHXH cần tiến hành khởi kiện chủ SDLĐ ra toà hoặc có thể tạm thời đưa tên đơn vị SDLĐ ra khỏi sổ, báo cáo nghiệp vụ thu BHXH và lập danh sách theo dõi riêng, thậm chí có thể yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nếu đơn vị SDLĐ cố tình dây dưa, kéo dài, chây ì không chịu nộp tiền BHXH.

Giải quyết tốt mối quan hệ lao động tại đơn vị SDLĐ và mối quan hệ trong lĩnh vực BHXH giữa tổ chức BHXH và chủ SDLĐ là bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ tham gia BHXH, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội và chính sách an sinh xã hội của Đảng và nhà nước.

Tiến Mạnh