Một số lưu ý khi giải quyết việc nhận thay chế độ Bảo hiểm xã hội

23/07/2009 08:12 AM


Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) trực tiếp, tận tay đối tượng là một trong những nguyên tắc quan trọng của cơ quan BHXH. Nguyên tắc này được quy định xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ khi ngành BHXH mới được thành lập cho đến nay và được thể hiện rõ trong nhiều văn bản của Ngành.

Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) trực tiếp, tận tay đối tượng là một trong những nguyên tắc quan trọng của cơ quan BHXH. Nguyên tắc này được quy định xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ khi ngành BHXH mới được thành lập cho đến nay và được thể hiện rõ trong nhiều văn bản của Ngành. Gần đây nhất là Quyết định số 845/QĐ-BHXH ngày 18/6/2007 của BHXH Việt Nam quy định: “BHXH tỉnh, huyện thực hiện chi trả trực tiếp hoặc ủy quyền cho người sử dụng lao động, đại diện chi trả xã, phường, thị trấn, ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản ATM để chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng; phải đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ theo đúng chế độ chính sách BHXH của Nhà nước”.

Việc chi trả - nhận lương hưu, trợ cấp BHXH là một giao dịch dân sự giữa bên chi trả là cơ quan BHXH (hoặc người đại diện chi trả) và bên nhận là người hưởng chế độ. Trong nhiều trường hợp, người được hưởng chế độ BHXH không tự mình đến cơ quan BHXH hay các đại lý chi trả nhận tiền trực tiếp mà thông qua một người khác, gọi là người đại diện. Theo Bộ luật dân sự có 2 loại hình đại diện: Đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật.

Đối với loại hình đại diện theo ủy quyền được quy định rõ tại Quyết định số 845/QĐ-BHXH ngày 18/6/2007: “Đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt nếu không trực tiếp nhận tiền phải ủy quyền cho người khác nhận thay (mẫu số 18a-CBH), thời hạn ủy quyền tối đa là 6 tháng. Đối với các đối tượng hưởng cùng sống trong một hộ gia đình, có thể ủy quyền cho một trong số những người hưởng chế độ BHXH nhận thay (mẫu số 18b-CBH), thời hạn mỗi lần ủy quyền tối đa là 1 năm”.

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và có chứng thực của cơ quan thẩm quyền. Điều quan trọng nhất cho một trường hợp ủy quyền là phải thể hiện được ý chí của người ủy quyền. Việc ủy quyền chỉ có hiệu lực pháp lý khi người ủy quyền có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được tự do thể hiện ý chí của mình, không bị lừa dối hoặc cưỡng ép. Như vậy loại hình đại diện theo ủy quyền chỉ được áp dụng trong trường hợp người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) (là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và có từ đủ 18 tuổi trở lên).

Tuy nhiên, thực tiễn chi trả nhiều năm qua cho thấy, có rất nhiều trường hợp đối tượng hưởng chế độ BHXH không có NLHVDS (trẻ em dưới 6 tuổi), người mất NLHVDS (bị bệnh tâm thần, lẩn thẩn hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình), người bị hạn chế NLHVDS (nghiện ma túy và các chất kích thích khác). Những trường hợp này không thể áp dụng hình thức ủy quyền, cũng như không thể lập các văn bản ủy quyền theo yêu cầu của cơ quan BHXH. Và nếu có, các văn bản ủy quyền này không có hiệu lực pháp lý vì không thể hiện được ý chí của người ủy quyền.

Để đảm bảo tính pháp lý khi giải quyết những trường hợp này, cần phải áp dụng những hình thức thủ tục khác. Theo Bộ luật dân sự (sửa đổi) năm 2005, ngoài hình thức đại diện theo ủy quyền còn có loại hình đại diện thứ hai là đại diện theo pháp luật.

Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Có 3 hình thức đại diện: Cha mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên đã áp dụng trong những trường hợp giải quyết chế độ tuất hàng tháng: cha mẹ là người đứng sổ cho con, anh chị trưởng thành là người đứng sổ cho em trong trường hợp không còn cha mẹ…

Đối với trường hợp đại diện là người giám hộ thì cũng có 2 loại người giám hộ: Giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử theo pháp luật. Người giám hộ đương nhiên là: vợ hoặc chồng của người mất NLHVDS; nếu cha mẹ đều mất NLHVDS thì người con cả là giám hộ đương nhiên, nếu con cả không đủ điều kiện thì người con tiếp theo đủ điều kiện sẽ làm người giám hộ đương nhiên. Con đã thành niên nhưng chưa có vợ con (hoặc có nhưng không đủ điều kiện) mà mất NLHVDS thì người giám hộ đương nhiên là cha, mẹ đủ điều kiện.

Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì những người thân thích của người đó cử ra 1 người trong số họ làm người giám hộ. Khi người thân thích không cử được người giám hộ thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm cùng các tổ chức xã hội tại cơ sở cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ. Nếu tất cả các trường hợp trên đều không thực hiện được thì cơ quan Lao động-Thương binh và Xã hội nơi người được giám hộ cư trú đảm nhận việc giám hộ.

Người giám hộ trong phạm vi bài viết này sẽ thực hiện việc nhận thay tiền lương hưu, trợ cấp BHXH. Vấn đề đặt ra là họ phải xuất trình các giấy tờ gì với cơ quan BHXH hay người đại diện chi trả?

Đối với người giám hộ đương nhiên, ngoài xuất trình giấy tờ (như giấy kết hôn; hộ khẩu; khai sinh) để chứng minh là một trong những người: vợ, chồng, cha, mẹ, con, họ còn phải xuất trình giấy xác nhận người hưởng chế độ bị bệnh tâm thần hoặc các chứng bệnh khác, dẫn đến mất khả năng nhận thức. Tuy nhiên để có giấy xác nhận này không phải là chuyện dễ dàng đối với nhiều đối tượng ở nông thôn, miền núi, không đủ điều kiện để khám bệnh tâm thần. Hơn nữa nhiều đối tượng già yếu, trí óc không còn minh mẫn, lúc nhớ, lúc quên nên việc khám và xác chẩn tâm thần sẽ là vấn đề tế nhị và khó khăn. Cho nên, để thuận tiện cho việc nhận thay nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý ở mức độ có thể, người giám hộ đương nhiên cần phải có được một văn bản trong đó ghi rõ: người giám hộ, người được giám hộ, lý do phải thực hiện việc giám hộ là bị mất NLHVDS và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư trú, thời hạn có hiệu lực của giấy xác nhận là 6 tháng.

Đối với những người giám hộ được cử ra, hoặc do pháp luật quy định đương nhiên họ phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách là người giám hộ của mình. Những giấy tờ này là cơ sở pháp lý đủ để cơ quan BHXH giải quyết việc nhận thay cho đối tượng hưởng chế độ BHXH.

Tóm lại, việc nhận thay lương hưu, trợ cấp BHXH được tiến hành thông qua người đại diện, đại diện theo ủy quyền, đại diện theo pháp luật. Trong thực tế chi trả, loại hình đại diện theo pháp luật mà phổ biến nhất giám hộ cho người hưởng trợ cấp BHXH mất NLHVDS. Cơ quan BHXH với tư cách là người chi trả phải cần một loại giấy tờ nào đó có tính pháp lý, làm cơ sở cho việc nhận thay một cách hợp pháp, chặt chẽ. Để làm tốt việc này, trước khi có những quy định cụ thể, cũng cần dựa vào các quy định về pháp luật dân sự hiện hành ở nước ta.

Sông Kôn