Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa cho chúng tôi

09/06/2009 02:44 PM


Trong lần đi công tác tại một huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, chúng tôi có dịp ghé thăm một điểm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng trên địa bàn huyện. Vì là đầu tháng, lại là buổi sáng của ngày chi trả nên số lượng người khá đông. Mặc dù trong phòng chi trả có cả chỗ ngồi và bàn uống nước, nhưng một số người vẫn ngồi ở hành lang để chuyện trò, cười, nói vui vẻ...

Trong lần đi công tác tại một huyện phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, chúng tôi có dịp ghé thăm một điểm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng trên địa bàn huyện. Vì là đầu tháng, lại là buổi sáng của ngày chi trả nên số lượng người khá đông. Mặc dù trong phòng chi trả có cả chỗ ngồi và bàn uống nước, nhưng một số người vẫn ngồi ở hành lang để chuyện trò, cười, nói vui vẻ.

Tôi không vội vào trong phòng chi trả để hỏi thăm các anh, chị em đang thực hiện công việc chi trả, mà lân la ở phía hành lang bên ngoài phòng để hỏi thăm những người đến nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Sau một vài lời chào, hỏi thăm sức khoẻ, tôi nói “mời các bác vào trong nhà uống nước và chờ nhận lương”, một cụ già trạc ngoài 70 tuổi, râu tóc bạc phơ, dáng vẻ phúc hậu đang ngồi ở hàng ghế băng với mấy người nữa không trả lời câu hỏi của tôi mà mời tôi ngồi xuống ghế cùng với mọi người, rồi cụ nói “tôi biết các chú ở trên tỉnh về, nhưng đã đến đây rồi thì ngồi chơi để anh em chúng tôi có đôi lời tâm sự”.

Những lời nói chậm rãi nhưng rõ ràng, rành mạch hỏi về chế độ hưu trí, mất sức, phụ cấp khu vực, chuyển đi, chuyển đến, vấn đề tăng lương, bảo hiểm y tế (BHYT), rồi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của họ khi mà sức khoẻ đã ngày càng yếu dần… tất cả những điều đó đã nói lên khoản lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng quan trọng đối với họ đến mức nào. Bởi vì, khi con người ta hết tuổi lao động, sức khoẻ đã yếu, không thể làm việc để có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống của mình thì tiền lương hưu, trợ cấp BHXH và thẻ BHYT là “cứu cánh” đối với họ, nhất là khi không may họ bị đau ốm phải khám, chữa bệnh.

Sau khi trả lời một số vấn đề về điều chỉnh lương tối thiểu chung theo Nghị định 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định 34/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 của Chính phủ (mặc dù văn bản ban hành trong tháng 4/2009 nhưng các đối tượng BHXH đã được thụ hưởng ngay từ tháng 5/2009), sự vui mừng còn được nhân lên khi phụ cấp khu vực tiếp tục được chi trả theo quy định tại Nghị định 122/2008/NĐ – CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ đối với những người nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 01/01/2007 khi cư trú ở nơi có phụ cấp khu vực; đối với người nghỉ việc hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần từ ngày 01/01/2007 trở đi, nếu trước đó đã có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực thì ngoài hưởng lương hưu, BHXH một lần còn được nhận trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH. Đến đây không chỉ những người ở phía ngoài mà một số người ở trong phòng cũng đi ra để tỏ rõ tình cảm, sự thân thiện và chia sẻ những khó khăn mà cơ quan BHXH đã cố gắng thực hiện trong thời gian vừa qua để kịp thời chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho các đối tượng - những người mà cuộc sống của họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.

Nhiều câu hỏi như: bảo hiểm chi lương rất sớm, mới đầu tháng đã có lương rồi; “các cô, chú ở BHXH rất nhiệt tình, chịu khó, không quản ngại mưa, nắng mà cứ đến đầu tháng là có mặt tại điểm chi trả để chi lương hưu”…như muốn nhắc nhở chúng tôi - những người làm “nghề” BHXH cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa để “hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân” như Bác Hồ đã căn dặn.

Có một bác trông giáng vẻ khắc khổ, người gầy ốm, chừng ngoài 60 tuổi đến gần bên tôi, bắt tay tôi và nói “Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa cho chúng tôi”. Tìm hiểu ra tôi mới biết, từ ngày nghỉ hưu đến bây giờ đã gần 10 năm, bác bị đau ốm không làm được gì, chỉ nhờ vào đồng lương hưu hàng tháng, hơn nữa còn đi khám, chữa bệnh, may mà có thẻ BHYT nên đã giải quyết được khoản chi phí khám, chữa bệnh, nhất là năm 2008 bác bị suy thận phải đi thành phố Hồ Chí Minh chạy thận nhân tạo, chi phí lên đến hàng chục triệu đồng, nếu không có thẻ BHYT thì gia đình không đủ tiền để chữa trị và có lẽ sự sống đã phó mặc cho số phận.

Rất muốn nhưng không thể ở lại lâu được, chúng tôi phải chia tay với các bác để tiếp tục chuyến công tác. Trước khi đi, chúng tôi vào trong phòng động viên các anh, chị em đang thực hiện công việc chi trả cố gắng khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo nhanh nhất, kịp thời nhất, đầy đủ nhất tiền lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng, đồng thời phải thể hiện mình như những người thân của họ. Vì hơn ai hết họ chính là những người mà ngành BHXH có trách nhiệm phục vụ.

Tiến Mạnh, CĐBHXH