Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

01/06/2009 09:09 AM


Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 11 năm 1989 là sản phẩm của quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ của loài người vì quyền con người nói chung và quyền trẻ em. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là việc của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân tộc mà là vấn đề quốc tế của toàn nhân loại.

Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 11 năm 1989 là sản phẩm của quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ của loài người vì quyền con người nói chung và quyền trẻ em. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là việc của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân tộc mà là vấn đề quốc tế của toàn nhân loại.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Đảng và Nhà nước ta ủng hộ và đã cam kết thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai ký Công ước này vào tháng 2 năm 1990.

Nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt toàn bộ Công ước là: không phân biệt đối xử khi thực hiện các quyền của trẻ em; gia đình, xã hội và Nhà nước phải đảm bảo thực hiện những lợi ích liên quan đến quyền của trẻ em một cách tốt nhất; trẻ em có quyền có ý kiến riêng và các ý kiến đó phải được xã hội tôn trọng; nếu những điều khoản pháp lý khác của quốc tế và quốc gia có lợi hơn cho trẻ em so với các điều khoản ghi trong Công ước quốc tế thì được sử dụng các điều khoản đó.

Theo Công ước, trẻ em có các quyền cơ bản sau:
  • Quyền được sống – đây là quyền thiêng liêng nhất của con người. Vì vậy, trẻ em phải được khai sinh ngay từ khi mới ra đời để có tên, quốc tịch, biết cha, mẹ mình và phải được bảo vệ thân thể, tính mạng và tinh thần; được chăm sóc, ăn, mặc và có chỗ ở; được sống trong gia đình, cộng đồng xã hội, quốc gia, dân tộc.
  • Quyền được phát triển: trẻ em được học hành, được tự do phát triển tài năng, nhân cách và được phát triển toàn diện; được hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, quốc gia, tôn giáo. Trẻ em có quyền được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao lành mạnh và phù hợp.
  • Quyền được bảo vệ: trẻ em phải được bảo vệ về quyền lợi như được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, được bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn về thân thể và tính mạng. Những hành động dụ dỗ, lừa gạt, mua bán trẻ em, đưa trẻ em ra nước ngoài bất hợp pháp; ngược đãi, đánh đập, bóc lột, xâm hại tình dục, ngăn cản trẻ em học hành, vui chơi, giải trí lành mạnh…đều bị lên án và ngăn cấm.
  • Quyền được tham gia, phát biểu ý kiến đối với các vấn đề có liên quan như được thu nhận thông tin, được phát biểu ý kiến của mình về mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề thuộc về quyền lợi của trẻ em. Các quốc gia tạo cơ hội để trẻ em được nói lên ý kiến của mình theo cách thức phù hợp với điều kiện, thủ tục pháp luật của quốc gia.
Việc Việt Nam tham gia ký kết Công ước quốc tế về quyền trẻ em thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta là ưu tiên những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, tạo cho trẻ em quyền bình đẳng, quyền được phát triển toàn diện. Đường lối đó được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em”(điều 40) và “trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”(điều 65).

Ngoài Hiến pháp, các Bộ luật cụ thể đều có các quy định liên quan đến quyền trẻ em như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Quốc tịch, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình…nhưng tập trung nhất về vấn đề quyền trẻ em là “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 8 năm 1991.

Để cụ thể hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về quyền trẻ em, Nhà nước ta đã xây dựng “Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 – 2010”. Đây là chương trình hành động quốc gia vì trẻ em nằm trong chiến lược phát triển con người của Việt Nam trong tiến trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đòi hỏi khách quan đáp ứng nhu cầu của trẻ em và yêu cầu của quốc gia trong việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam.

Tiến Mạnh