Xung đột bè phái nghiêm trọng ở Ai Cập, 13 người thiệt mạng

10/03/2011 07:15 AM


Chính quyền quân sự Ai Cập đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và cảnh báo sự nguy hiểm của tình trạng hỗn loạn sau khi 13 người thiệt mạng trong vụ bạo lực nghiêm trọng nhất giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo kể từ khi chính quyền Mubarak sụp đổ.

Chính quyền quân sự Ai Cập đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và cảnh báo sự nguy hiểm của tình trạng hỗn loạn sau khi 13 người thiệt mạng trong vụ bạo lực nghiêm trọng nhất giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo kể từ khi chính quyền Mubarak sụp đổ.
 
Bạo loạn tiếp diễn ở nhiều nước thuộc thế giới Ảrập.

Lực lượng quân sự đang lãnh đạo chính phủ đã triệu tập phiên họp nội các mới lần đầu tiên và quyết định vào hôm nay, ngày 10/3, sẽ tái triển khai lực lượng cảnh sát vốn gần như đã bị tan rã trong những ngày đầu tiên xảy ra cuộc bạo loạn mà đã khiến ông Mubarak phải ra đi.

Bộ Y tế cho biết 13 người thiệt mạng và khoảng 140 người bị thương trong vụ bạo lực bè phái tại Cairo, bị châm ngòi từ căng thẳng sau một vụ đốt phá một nhà thờ ở phía nam thủ đô cuối tuần trước.

Sự kiện xảy ra đêm 8/3. Hình ảnh truyền từ quảng trường cho thấy hai phe đã ném đá vào nhau. Các nhân chứng cũng khẳng định người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo đã ném đá vào nhau trước khi cảnh sát bắn cảnh cáo để giải tán họ.

Trong khi đó, làn sóng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở Libya và trên bán đảo Ả Rập.

Tại Libya, cuộc đối đầu vũ trang giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập thể hiện tính chất dai dẳng. Người đứng đầu chính phủ lâm thời ở đông Libya đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “nhanh chóng áp đặt vùng cấm bay” và cảnh báo thương vong tăng mạnh khi chiến sự giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ tiếp diễn.

Trong khi đó, tại LHQ, Anh và Pháp đã soạn thảo một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về vùng cấm máy bay tại Libya. Trong khi các nhà ngoại giao nói chưa có văn kiện chính thức nào được luân lưu, các cuộc thảo luận đang được tiến hành sau hậu trường giữa các nước thành viên của hội đồng. Những thành viên có quyền phủ quyết như Nga và Trung Quốc từ trước tới nay không muốn can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác.

Tại Yemen, bản đồ địa lý các cuộc biểu tình chống đối cũng đang mở rộng thêm. Ở Dhamar phía nam thủ đô Sanaa, hàng nghìn người tập trung đòi Tổng thống từ chức, bày tỏ sự phẫn nộ về tình trạng kinh tế khó khăn và nạn tham nhũng trong nước. Còn ở chính Sanaa, hôm 8/3, cảnh sát phải dùng tới đạn cao su và hơi cay để trấn áp đoàn biểu tình. Kết quả là hàng chục người bị thương.

Tại vương quốc Bahrain, ba nhóm chính trị đại diện cho lợi ích của những người Hồi giáo Shiite đã công bố thành lập “Liên minh ủng hộ nền Cộng hòa”. Tại thủ đô Kuwait đã nổ ra biểu tình với hàng nghìn người tham gia đòi bãi chức Thủ tướng, lập Chính phủ mới và sửa đổi Hiến pháp.

Theo Dân Trí