Trung Quốc và những vấn đề sau vị trí nền kinh tế số 2 thế giới

15/02/2011 01:12 PM


Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một thành tựu mang tính bước ngoặt với Trung Quốc, nhưng cũng càng cho thế giới thấy rõ hơn những thách thức đặt ra với nền kinh tế này.

Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - một thành tựu mang tính bước ngoặt với Trung Quốc, nhưng cũng càng cho thế giới thấy rõ hơn những thách thức đặt ra với nền kinh tế này.
 
Sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn nhờ vào việc ngành sản xuất được rót quỹ đầu tư

Ý nghĩa vượt khỏi Đại lục…

Ngày 14/2, chính phủ Nhật Bản đã công bố các số liệu thống kê, theo đó, tổng sản phẩm nội địa của nước này trong năm 2010 là 5.474 tỷ USD, trong khi con số này của Trung Quốc là 5.878 tỷ USD. Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế Nhật Bản dự kiến tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2010. Mức tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến sẽ ở mức mạnh mẽ hơn nhiều, 10%.

Sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn nhờ vào việc ngành sản xuất được rót quỹ đầu tư và việc các ngành công nghiệp trong nước cũng như các cơ sở hạ tầng được mở rộng.

Điều này khiến cho mảng xuất khẩu tăng mạnh sau khi Trung Quốc trở thành một trung tâm sản xuất cho các thương hiệu đa quốc gia muốn hưởng lợi từ nhân công giá rẻ và từ việc các tuyến đường bộ, đường sắt được mở rộng. Cơ sở hạ tầng đã được chú trọng. Đô thị hóa là một thay đổi quan trọng về mặt cấu trúc xã hội ở Trung Quốc trong 30 năm qua. Cùng lúc, đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc cũng tăng, khiến giá cổ phiếu và bất động tài sản tăng theo. Ngược lại, Nhật Bản đã phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh mà nhiều nhà phân tích gọi là một “thập niên thua lỗ”.

Với tốc độ tăng trưởng hiện thời, theo thẩm định của Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều định chế tài chính quốc tế khác, từ đây đến năm 2025, Trung Quốc có thể sẽ giành luôn cả vị trí cường quốc kinh tế số một của Mỹ. Còn theo ông Tom Miller từ GK Dragonomics, một tổ chức tư vấn kinh tế đặt tại Bắc Kinh, “có thể nói một các thực tiễn rằng trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ có quy mô tương tự như nền kinh tế Mỹ”, .

Đối với những người không phải là chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là rất quan trọng vì nó cho thấy một sự dịch chuyển về quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Là một trong những nền kinh tế hồi phục nhanh nhất thế giới, Trung Quốc đang có một tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng và đóng vai trò quan trọng cho sự hồi phục chung của nền kinh tế toàn cầu. Đối với chính phủ Trung Quốc, sự kiện trên cũng rất quan trọng vì sự tiến bộ trong bảng xếp hạng GDP sẽ khiến thế giới chú ý hơn và hy vọng nước này sẽ gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

… và những thách thức ở lại

Từ quý II năm ngoái, với GDP công bố đạt 1.337 tỷ USD, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, vươn lên hàng thứ hai thế giới về phương diện kinh tế, chỉ đứng sau Mỹ. Khi đó, các nhà quan sát cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế “èo uột” tại Nhật Bản và tốc độ tăng trưởng cực nhanh tại Trung Quốc, sớm muộn gì Bắc Kinh sẽ giành ngôi vị cường quốc kinh tế thứ hai, có thể là ngay trong năm nay hay vào năm tới. Nhưng cũng khi đó, các nhà quan sát cho rằng số liệu này đã che khuất một thực tế là sự phát triển của nước này vẫn chưa bền vững và đồng đều, chất lượng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn rất kém. Nếu tính GDP một cách chung chung thì không phản ánh sự thật của xã hội. Chính Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương đã thừa nhận: “Vấn đề hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc chính là chất lượng tăng trưởng”.

Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước rất nhiều thách thức như khá lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, khoảng cách giàu nghèo quá lớn.... Dù nước này đang có hàng chục tỷ phú nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới do tạp chí Mỹ "Forbes" bình chọn, nhưng thu nhập bình quân của hàng trăm triệu người dân lại thuộc diện thấp nhất thế giới.

Trung Quốc đã có thể tăng trưởng GDP khoảng 10%/năm trong hơn 20 năm nay, nhưng đó là nhờ chính phủ nắm tiền tệ, kiểm soát các ngân hàng, nên tha hồ tung tiền ra, dẹp nợ xấu sang một bên. Do vậy, Trung Quốc cứ đầu tư tràn lan trong khi các nước trên thế giới đang bị suy thoái, hạn chế đầu tư. Hơn nữa, mức tiêu thụ của người dân Trung Quốc rất thấp, chỉ chiếm 40% GDP, trong khi của Nhật Bản dù bị suy thoái trong 20 năm qua, nhưng vẫn ở mức khoảng 60% GDP. Trong khi đó, theo tạp chí The Economist của Anh, thị trường bất động sản bùng nổ và chính sách điều hành vĩ mô đang tạo ra những nguy cơ cho nền kinh tế này.

Sau khi số liệu GDP của cả năm 2010 được công bố hôm 14/2, hầu hết các kinh tế gia cũng vẫn đồng ý rằng trong khi Trung Quốc nói chung đang tăng trưởng, và nhìn chung người dân đều khấm khá hơn, nhưng Trung Quốc thật ra vẫn là một quốc gia đang phát triển. Là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ người, Trung Quốc có thu nhập bình quân tính theo đầu người thấp hơn gấp 10 lần so với Nhật Bản (GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc là khoảng 4.500 USD, nhưng ở Nhật Bản, con số này vào khoảng 40.000 USD/người). Mặt khác, trong nền kinh tế, Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo. Đó là chưa kể, mức tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay chủ yếu dựa trên đầu tư và xuất khẩu, cho nên trình độ phát triển còn thấp hơn nhiều so các nước giàu. Ngoài ra, Chính phủ Bắc Kinh còn phải đối phó với lạm phát đang tăng nhanh và các căng thẳng xã hội ngày càng gay gắt.

Khi Trung Quốc đã phát triển để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Á, thành quả lớn nhất mà hầu hết đều đồng ý, là đã vực được hàng trăm triệu công dân của mình ra khỏi đói nghèo. Nhưng liệu sự phát triển đang diễn ra và giá tăng cho bất động sản đi kèm với nó, thực sự có sẽ có lợi cho đa số người dân sống ở đây. Đối với chính phủ Trung Quốc, bình phẩm như vậy là đáng lo, vì họ biết rằng sẽ tồi tệ hơn nếu thị trường bất động sản bùng nổ - như nhiều người đang lo sợ, và khi đó, hàng triệu nhà đầu tư sẽ bất bình như những người nghèo.

Năm 2011 là năm đầu tiên của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 12, nên việc cải cách chế độ phân phối thu nhập, điều tiết thị trường nhà đất, cải cách tài chính, thuế, tiền tệ và phát triển các ngành nghề chiến lược mới… sẽ trở thành điểm nóng kinh tế của Trung Quốc. Việc Trung Quốc kiểm soát lạm phát, điều chỉnh kết cấu kinh tế, ổn định tăng trưởng kinh tế và đi sâu cải cách như thế nào, chắc chắn sẽ có câu trả lời rõ ràng và đây cũng chính là những cụm từ then chốt của kinh tế Trung Quốc năm 2011.

Theo Dân Trí