R2 - Người máy đầu tiên bay vào vũ trụ

04/11/2010 03:26 PM


Vũ trụ sắp đón nhận người máy đầu tiên đến từ trái đất, khi Robonaut 2 hay còn gọi là R2, chuẩn bị lên đường tới Trạm vũ trụ quốc tế vào tuần này, trong sứ mệnh vũ trụ cuối cùng của tàu con thoi Discovery, trước khi tàu “về hưu”.

Vũ trụ sắp đón nhận người máy đầu tiên đến từ trái đất, khi Robonaut 2 hay còn gọi là R2, chuẩn bị lên đường tới Trạm vũ trụ quốc tế vào tuần này, trong sứ mệnh vũ trụ cuối cùng của tàu con thoi Discovery, trước khi tàu “về hưu”.
 

Robonaut sẽ là trợ lý đắc lực cho các nhà du hành vũ trụ trên Trạm vũ trụ quốc tế trong tương lai.
 

Các nhà khoa học NASA hi vọng rằng, người máy đầu tiên bay vào vũ trụ có trị giá 2,5 triệu USD này một ngày nào đó sẽ là phụ tá đắc lực cho các nhà du hành vũ trụ trong quỹ đạo.

 

Những người sáng tạo ra R2 đang tưởng tượng tới một tương lai khi Robonaut có thể đảm nhiệm được việc dọn dẹp trạm vũ trụ, thay các nhà du hành dạo bộ hàng giờ bên ngoài trạm vũ trụ với nhiệt độ nóng và lạnh khủng khiếp, kiên nhẫn cầm các dụng cụ cho các chuyến dạo bộ trong không gian của các nhà du hành hay xử lý các tình huống khẩn cấp như rò rỉ độc tố hay hỏa hoạn.

 

Thậm chí họ còn hi vọng con cháu của Robonaut có thể thám hiểm các tiểu hành tinh, sao Hỏa hay những thế giới khác trong những thập niên sau này, mở đường cho nhân loại.

 

Chuyến thám hiểm của R2 dự kiến bắt đầu vào chiều 4/11 (giờ Mỹ), với kế hoạch phóng tàu Discovery cùng 6 nhà du hành lên Trạm vũ trụ quốc tế.

 

Hiện tại R2, sản phẩm cộng tác giữa NASA và General Motors, chỉ có từ phần thắt lưng trở lên. R2 cao hơn 1m, nặng xấp xỉ 150kg. Mỗi cánh tay dài khoảng 0,8m.

 

Phần chân hiện vẫn đang được hoàn thiện. Tuy nhiên phần trên là một “tuyệt tác” hoàn hảo, với cánh tay, tay, bàn tay, chắc nịch, đôi vai rộng, bụng săn chắc.

 

Trạm vũ trụ hiện đã có các cánh tay robot của Canada và Nhật, giống với những cần trục, nhưng vẫn cần điều kiển của con người. Một khi đã được ra mệnh lệnh R2 có thể đảm nhiệm những nhiệm vụ đã được lập trình trước.

 

Tuy nhiên, trong lần đầu tiên này các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu xem Robonaut hoạt động như thế nào trong môi trường không trọng lượng, trên một bệ gắn cố định.
 
Tàu con thoi Discovery trên bệ phóng chuẩn bị cho cuộc khởi hành vào chiều 4/11.
 

R2 sẽ cần đến chân trước khi có thể đảm nhiệm được những việc trong nhà, như lau tay vịn cầu thang hay hút bụi. NASA hi vọng sẽ gửi chân lên cho R2 vào cuối năm 2011.

 

Mục đích của R2 là nhằm giúp các nhà du hành chứ không phải là thay thế họ. Con người đã sống liên tục trên trạm vũ trụ trong suốt 10 năm và dự kiến sẽ sống thêm 10 năm nữa.

 

Và R2 cũng sẽ ở trên đó cho đến khi nào Trạm vũ trụ ngừng hoạt động vào khoảng sau năm 2020. Khi đó NASA sẽ cho R2 lao xuống một “nấm mồ” ở Thái Bình Dương.

 

Theo Dân Trí