Thông điệp từ màn cưỡi ngựa trắng trên núi thiêng của ông Kim Jong-un
17/10/2019 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Giới phân tích đã “giải mã” thông điệp phía sau việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un cưỡi trên lưng con ngựa màu trắng tại ngọn núi thiêng cao nhất bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cưỡi ngựa màu trắng trên đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng (Ảnh: KCNA)
Trong những bức ảnh mới nhất do hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên công bố hôm 16/10, nhà lãnh đạo Kim Jong-un được nhìn thấy cưỡi trên lưng một con ngựa lớn màu trắng. Con ngựa đưa ông Kim Jong-un chạy qua những con đường trải đầy tuyết trắng và những cánh rừng trên núi Paektu, ngọn núi cao nhất bán đảo Triều Tiên và được cho là nơi cố lãnh đạo Kim Jong-il chào đời.
Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường có chuyến thăm tới Paektu, ngọn núi thiêng liêng đối với người dân Triều Tiên, trước thềm các sự kiện lớn hoặc khi ông chuẩn bị đưa ra các quyết sách quan trọng.
“Việc nhà lãnh đạo cưỡi ngựa ở núi Paektu là sự kiện vĩ đại, mang tầm quan trọng rất lớn trong lịch sử cách mạng Triều Tiên. Được chứng kiến những khoảnh khắc tuyệt vời trong tư tưởng của nhà lãnh đạo trên đỉnh núi Paektu, tất cả quan chức đi cùng ông đều tràn đầy cảm xúc và niềm vui sướng, rằng sẽ có một công cuộc vĩ đại để khiến thế giới phải bất ngờ và tiến thêm một bước nữa trong cuộc cách mạng Triều Tiên”, KCNA đưa tin.
Theo Reuters, hiện chưa rõ công cuộc vĩ đại mà KCNA đề cập tới là gì. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, ý nghĩa biểu tượng của việc ông Kim Jong-un cưỡi ngựa trên đỉnh núi thiêng có thể nhằm nhấn mạnh quyết tâm của Triều Tiên trước các lệnh trừng phạt và sức ép từ cộng đồng quốc tế đối với chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của nước này.
“Đây là một tuyên bố, tượng trưng cho sự thách thức. Việc theo đuổi mục tiêu nới lỏng trừng phạt (của Triều Tiên) đã qua. Chưa có điều gì rõ ràng, nhưng động thái này bắt đầu đặt ra những kỳ vọng mới cho đường hướng chính sách sắp tới trong năm 2020”, Joshua Pollack, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California, nhận định.
Vào cuối năm 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thăm núi Paektu vài ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất của nước này, và vài tuần trước khi ông đưa ra bài phát biểu mừng năm mới, trong đó đề cập tới việc hợp tác hòa bình với Hàn Quốc.
Năm ngoái, ông Kim Jong-un từng đưa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới đỉnh núi Paektu trong chuyến thăm lịch sử của nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới Triều Tiên. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng trên bán đảo Triều Tiên dần hạ nhiệt.
Thông điệp của ông Kim Jong-un
Một số bức ảnh do truyền thông Triều Tiên công bố về chuyến thăm tới núi Paektu của ông Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)
Một số chuyên gia nhận định, phần lớn nội dung trong bản tin của KCNA hôm nay xoay quanh vấn đề kinh tế. Các chuyên gia nghi ngờ rằng Triều Tiên có thể sắp tiến hành một vụ phóng vào không gian. Điều này sẽ cho phép Triều Tiên thể hiện sức mạnh kinh tế và công nghệ theo cách bớt khiêu khích hơn so với một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo Rachel Minyoung Lee, nhà phân tích của NK News - trang web chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, ngôn ngữ được sử dụng trong bản tin của KCNA cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang “suy tính về một số quyết định chính sách quan trọng”.
“Bản tin bằng tiếng Triều Tiên mô tả việc ông Kim Jong-un cưỡi ngựa trên núi Paektu như một câu chuyện “thần bí” mới, kết hợp cùng hình ảnh ông ấy ngồi trên lưng một con ngựa trắng, dường như để nhằm tạo ra hiệu ứng tuyên truyền ở mức cao nhất, điều mà tôi tin là truyền thông sẽ đẩy mạnh trong những ngày sắp tới”, chuyên gia Lee nhận định.
Theo Fyodor Tertitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc), “một số nhà quan sát Hàn Quốc lưu ý rằng, ông Kim Jong-un thường tới núi Paektu trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, và trong bối cảnh không đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán tại Washington, có vẻ như ông ấy muốn đưa ra một quyết định như vậy”.
Tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang rơi vào tình trạng bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng. Cuộc đàm phán hồi tháng trước tại Thụy Điển cũng bị đổ vỡ khi hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Theo nhà phân tích Minyoung Lee, việc Triều Tiên đưa tin chi tiết về chuyến đi tới núi Paektu của ông Kim Jong-un có thể nhằm phát đi một thông điệp liên quan tới tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ.
“Có vẻ như họ đang muốn nói rằng ông Kim Jong-un tới núi Paektu để đưa ra một quyết định, hoặc ít nhất cũng củng cố quyết tâm của ông ấy. Trong suốt bản tin, họ nhiều lần đề cập tới những thành tựu của ông Kim Jong-un trong việc đưa Triều Tiên trở nên hùng mạnh, trao “sức mạnh” cho Triều Tiên, hay bằng cách nào mà ông ấy không bị khuất phục trước những cám dỗ dù là nhỏ nhất”, bà Lee cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, những hình ảnh “hoa mỹ” xuất hiện trên bản tin của KCNA, khi ông Kim Jong-un ngồi hùng dũng trên lưng một con ngựa trắng, trên đỉnh một ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, vừa mang ý nghĩa hoài niệm vừa thể hiện quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Tertitskiy nhận định hình ảnh con ngựa màu trắng “có lẽ là một sự liên tưởng tới nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành”.
“Đây là một phần trong hình ảnh của ông ấy (Kim Nhật Thành) và có hẳn một chương trong hồi ký của ông ấy nói về một con ngựa trắng”, Tertitskiy cho biết.
Theo Dân Trí
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...