Nga bị nghi hợp tác với Iran để bắt tàu chở dầu Anh

22/07/2019 08:16 AM


Truyền thông Anh dẫn các nguồn tin nói rằng Nga có khả năng đã hợp tác với Iran trong vụ bắt tàu chở dầu Anh tại eo biển Hormuz.

 Truyền thông Anh dẫn các nguồn tin nói rằng Nga có khả năng đã hợp tác với Iran trong vụ bắt tàu chở dầu Anh tại eo biển Hormuz.
>>Iran lên tiếng về lý do bắt giữ tàu dầu Anh
>>Tổng thống Putin lên tiếng khi Mỹ - Iran “căng như dây đàn”
>>Ông Trump cảnh báo Iran phải trả giá đắt nếu làm điều “dại dột”

Iran vây bắt tàu dầu Anh “như phim hành động”
Nga bị nghi hợp tác với Iran để bắt tàu chở dầu Anh - 1

 

Tàu chở dầu Stena Impero (Ảnh: SCMP)

Báo Daily Mirror (Anh) dẫn các nguồn tin an ninh giấu tên cho biết, Cơ quan tình báo Anh (MI6) và Cơ quan Thông tin Chính phủ Anh (GCHQ) đã tiến hành một cuộc điều tra để làm rõ nghi vấn các điệp viên Nga đã sử dụng năng lực chiến tranh mạng để đánh lừa hệ thống định vị GPS của tàu Stena Impero, tàu chở dầu mang cờ Anh, bị Iran bắt giữ hôm 19/7.

Theo các nguồn tin trên, tình báo Anh tin rằng các đơn vị của Nga và Iran đã hợp tác với nhau để can thiệp vào hệ thống GPS của tàu Stena Impero, khiến tàu chở dầu Anh đi lạc hướng vào vùng biển của Iran mà không hề hay biết.

Nga có công nghệ đánh lừa GPS và có thể đã giúp Iran trong vụ việc này”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ.

Nguồn tin cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và tình báo Nga có mối quan hệ chặt chẽ trong quá trình triển khai hoạt động tại Syria. Do vậy, Iran có thể đã nhờ quân đội Nga giúp đỡ trong vụ bắt tàu chở dầu Anh.

Đây không phải lần đầu tiên Nga bị cáo buộc có liên quan tới một vụ việc căng thẳng của phương Tây, dù không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào được đưa ra. Năm 2018, giới chức Anh cũng cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này tại Anh.

Giới chức Iran thông báo tàu Stena Impero bị bắt giữ sau khi va chạm với tàu cá của Iran. Theo cáo buộc từ phía Iran, tàu chở dầu Anh đã tắt Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS), đồng nghĩa với việc radar trên tàu Stena Impero gặp khó khăn trong việc phát hiện các tàu đang di chuyển xung quanh nó.

Trong khi đó, theo quy định về đi lại hàng hải tại eo biển Hormuz, các tàu phải kích hoạt hệ thống AIS để tránh xảy ra va chạm khi đi qua eo biển vừa hẹp vừa đông đúc này. Thậm chí, các tàu quân sự của Mỹ cũng phải phát tín hiệu AIS khi hoạt động tại eo biển Hormuz sau một loạt vụ va chạm gây chết người vào năm 2017.

Theo báo Daily Express, các nhà điều tra sẽ xem xét liệu có bất kỳ dấu vết công nghệ nào, hay liệu có bất kỳ máy bay trinh sát của phương Tây trong khu vực ghi lại bất kỳ hành động khả nghi nào vào thời điểm xảy ra vụ bắt tàu chở dầu Anh hay không.

Hiện chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về các thông tin trên.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm qua đã công bố đoạn video ghi lại diễn biến vụ bắt tàu chở dầu Stena Impero. Iran thông báo tàu Anh đang neo đậu tại cảng của Iran và Tehran đã mở một cuộc điều tra để làm rõ vụ việc.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt gọi động thái bắt tàu chở dầu Anh của Iran là “hành động thù địch”. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng bày tỏ “sự thất vọng” về vụ việc trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định tàu Stena Impero phải trải qua một quy trình pháp lý trước khi được thả. Chính phủ Anh khuyến cáo các tàu nước này tạm thời tránh xa eo biển Hormuz để tránh nguy cơ rủi ro.

Hồi đầu tháng, Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ siêu tàu Grace 1 mang cờ Panama và chở dầu của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar sau khi cáo buộc tàu này vận chuyển dầu bất hợp pháp tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Iran chỉ trích hành động bắt giữ này là “cướp biển” và tuyên bố sẽ đáp trả.

Theo Dân Trí