5 điểm mấu chốt trong diễn biến mới nhất về căng thẳng hạt nhân Iran

08/07/2019 01:14 PM


Dưới đây là những điểm mấu chốt trong diễn biến mới nhất xoay quanh những căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.

Dưới đây là những điểm mấu chốt trong diễn biến mới nhất xoay quanh những căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.
>>Mỹ cảnh báo Iran “cẩn trọng”, dọa tiếp tục cô lập và trừng phạt
>>Mỹ gửi cảnh báo tấn công Iran sau vụ bắn rơi máy bay không người lái
>>Anh bắt siêu tàu chở dầu Iran theo yêu cầu của Mỹ, Tehran nổi giận

Sau nhiều nỗ lực kêu gọi giảm trừng phạt bất thành, Iran tuyên bố sẽ tăng cường làm giàu uranium lên hơn mức 3,67% kể từ ngày Chủ nhật (7/7).

5 điểm mấu chốt trong diễn biến mới nhất về căng thẳng hạt nhân Iran - 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters

Đây được cho là một bước đi mạo hiểm khiến tình hình khu vực vốn đã có nhiều biến động càng thêm bất ổn, đồng thời đặt mối quan hệ Mỹ - Iran trước những thách thức mới giữa bối cảnh căng thẳng hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Iran đã làm gì?

Ngày 1/7, truyền thông nhà nước Iran thông báo dự trữ uranium làm giàu ở cấp độ thấp của nước này vượt hạn mức được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).Theo thỏa thuận, Iran chỉ được làm giàu uranium ở cấp độ thấp không vượt quá 300kg, tuy nhiên, Tehran đã đạt hạn mức này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - tổ chức giám sát sự tuân thủ thỏa thuận của Iran sau đó cũng xác nhận Iran đã phá vỡ hạn mức cho phép này.

Thông tin trên không gây bất ngờ, nhất là khi Iran đã thông báo trước từ tháng 5/2019 rằng nước này đang tăng gấp 4 lần việc sản xuất uranium và thông báo hồi giữa tháng 6 rằng Tehran sẽ vượt hạn mức dự trữ cho phép vào cuối tháng đó.

Các cơ quan kiểm soát vũ trang nhận định, bất kỳ sự vi phạm thỏa thuận từ bất kỳ bên nào đều đáng quan ngại. Vượt quá hạn mức cho phép về làm giàu uranium ở cấp độ thấp không tạo nên mối đe dọa ngay lập tức song ước tính rằng Iran chỉ cần mất 1 năm để có thể sở hữu lại vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Iran phá vỡ một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận, đánh dấu cấp độ nguy hiểm mới trong vòng xoáy xung đột với Mỹ bởi động thái này cho thấy Tehran sẽ làm mọi cách, thậm chí "chơi 1 ván bài mạo hiểm" với Washington để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này.

Iran sẽ làm gì tiếp theo?

Khi Iran thông báo nước này sẽ giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, Tehran đã đưa ra hạn chót ngày 7/7 cho các bên ký kết thỏa thuận còn lại trước khi nước này thực hiện những bước đi thực sự trong việc tăng cường làm giàu mức độ uranium. Đây cũng là thời điểm đánh dấu kết thúc thời hạn 60 ngày Iran đặt ra cho các nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân nhằm thực hiện các biện pháp phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran cho rằng các cơ chế mà Anh, Pháp, Đức đưa ra không đáp ứng "nhu cầu" của Iran.

Thỏa thuận hạt nhân ngăn Iran làm giàu uranium vượt mức 3,67% - mức độ vừa đủ để vận hành một nhà máy điện hạt nhân nhưng còn lâu mới đáp ứng được việc sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trước đó, Iran khẳng định nước này cần 5% uranium làm giàu cho một nhà máy điện hạt nhân ở Bushehr và 20% cho một lò phản ứng nghiên cứu ở Tehran.

20% vẫn dưới mức chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng khi đạt được mức độ này, Iran không cần nhiều thời gian để làm giàu tới mức 90% - mức độ được cho là đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia nhận định rằng nếu Iran thực hiện bước đi mới nhất này, mức độ nguy hiểm trong lần đe dọa này sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với việc Tehran phá vỡ hạn mức làm giàu uranium ở cấp độ thấp như lần đầu tiên.

Châu Âu là "người chơi chính"

Bất chấp căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang cao độ dưới thời Tổng thống Trump, thực tế là "người chơi chính" có liên hệ trực tiếp đến những động thái đe dọa hạt nhân của Tehran chính là châu Âu.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên chính phủ nước Cộng hòa Hồi giáo này, Tehran đã tuyên bố nước này không còn nhận được bất kỳ lợi ích gì từ thỏa thuận trên và yêu cầu châu Âu phải có các bước đi nhằm xoay chuyển tình hình.

Liên minh châu Âu đã nỗ lực thiết lập các cơ chế cho phép các doanh nghiệp của khối này làm ăn với Iran mà không đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Sau các cuộc thảo luận với Iran từ các tuần trước, EU thông báo cơ chế INSTEX để thanh toán trực tiếp với Iran nhằm giúp Tehran tránh các đòn trừng phạt của Washington đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Iran cho rằng động thái này là chưa đủ bởi nó chưa đáp ứng được yêu cầu chính của Tehran - đó là cho phép Iran được bán dầu mỏ ở mức độ mà nước này từng thực hiện trước khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Sau khi Iran thông báo về mức dự trữ uranium của mình, EU khẳng định khối này đang "gấp rút" cân nhắc đến các lựa chọn.

"Chúng tôi vẫn khẳng định một cách nhất quán và rõ ràng rằng các cam kết của chúng tôi với thỏa thuận hạt nhân là phụ thuộc hoàn toàn vào sự tuân thủ thỏa thuận của Iran", Ngoại trưởng các nước Pháp, Đức, Anh và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini khẳng định trong một tuyên bố ngày 2/7.

"Chúng tôi yêu cầu Iran dừng các hành động này lại và chấm dứt các bước đi khiến thỏa thuận bị hủy hoại. Chúng tôi đang gấp rút cân nhắc các bước đi tiếp theo dựa trên các điều khoản của JCPOA trong mối liên hệ mật thiết với các bên tham gia", các ngoại trưởng khẳng định.

Ngày 6/7, Tổng thống Pháp cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Rouhani nhằm tìm kiếm các giải pháp giảm căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Điều này cho thấy EU hiểu rõ Iran sẽ không chỉ "dọa suông" nếu Liên minh này vẫn không có bất kỳ một giải pháp thực tế nào đáp ứng các yêu cầu của Tehran trong tình hình hiện nay.

Iran tuyên bố không vi phạm JCPOA

Bất chấp một lần vượt hạn mức làm giàu uranium ở cấp độ thấp và những cảnh báo cắt giảm thêm các cam kết của JCPOA, Iran vẫn tuyên bố nước này không vi phạm thỏa thuận.

Tehran đã chứng minh khẳng định của mình bằng cách dẫn ra đoạn 36 của thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó nêu chi tiết cơ chế giải quyết tranh chấp và cho phép một bên ngừng tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận nếu một bên khác không tuân thủ.

Trong một dòng tweet ngày 1/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định rằng "Hiện tại, chúng tôi đang lựa chọn điều khoản đó trong JCPOA nhằm ngăn chặn thỏa thuận sụp đổ hoàn toàn", đồng thời nhắc lại việc Mỹ đơn phương rời khỏi thoả thuận với cáo buộc Iran đã vi phạm các điều khoản.

Ông Zarif cũng cho biết thêm Iran sẽ "đảo ngược" các hành động hiện nay cho tới khi E3 (Ạnh, Pháp, Đức) tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận.

"Iran sẽ tuân thủ các cam kết của mình trong JCPOA chính xác theo cách mà EU/E3 tuân thủ. Như vậy đã đủ công bằng chưa?", Ngoại trưởng Iran tuyên bố.

Đội ngũ của Tổng thống Trump giữ lập trường cứng rắn

Chính quyền Tổng thống Trump đang nhắm vào việc Iran đe dọa cắt giảm các cam kết để củng cố nhận định của mình rằng JCPOA là một thỏa thuận đấy khiếm khuyết ngay từ khi các bên đặt bút ký.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng Iran không được phép làm giàu uranium ở bất kỳ cấp độ nào, cũng như không được sử dụng chương trình hạt nhân để đe dọa cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: "Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế khôi phục các tiêu chuẩn lâu dài đối với việc hạn chế các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như việc làm giàu uranium đối với các chương trình hạt nhân của Iran".

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho rằng thậm chí trước cả khi thỏa thuận hạt nhân tồn tại, Iran đã luôn vi phạm các quy định liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Cả ông Pompeo và bà Grisham đều khẳng định chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục duy trì chiến lược gây sức ép tối đa cho tới khi Iran thay đổi các hành động hiện nay.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân thì cho rằng việc cấm hoàn toàn Iran làm giàu uranium là một đòi hỏi phi thực tế mà Iran sẽ không bao giờ chấp nhận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Iran ngày 3/7 rằng những đe dọa của Iran có thể khiến nước này “gậy ông đập lưng ông" sau khi Tehran khẳng định sẽ gia tăng mức độ làm giàu uranium.

"Iran đã đưa ra một cảnh báo mới. Ông Rouhani nói rằng họ sẽ làm giàu uranium nhiều như cần thiết nếu không có một thỏa thuận hạt nhân mới. Iran hãy cẩn thận với những đe dọa. Chúng có thể tấn công ngược trở lại các người theo cách chưa từng có ai làm trước đây!", Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Trong khi đó, Farhad Rezaei - một chuyên gia quốc phòng Iran nhận định với trang Al Jazeera rằng quan hệ ngoại giao giữa Iran và Mỹ chính là yếu tố quyết định đối với sự sống còn của thỏa thuận hạt nhân.

'Sức ép tối đa của Tổng thống Trump và lời từ chối đối thoại của Lãnh tụ Tối cao Khamenei đã và đang chấm dứt con đường ngoại giao của hai nước. Đây là một tình huống nguy hiểm và bất kỳ sự hiểu lầm nào từ một bên đều có thể khiến mọi thứ vượt tầm kiểm soát cũng như biến căng thẳng hiện nay thành một cuộc chiến tranh toàn diện".

Theo Dân Trí