Ukraine đặt ưu tiên việc lấy lại các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập
19/06/2019 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Pháp và có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron.
Tổng thống Zelensky: Ưu tiên hàng đầu là kết thúc chiến tranh, lấy lại các vùng lãnh thổ Ukraine đã bị sáp nhập. (Nguồn: AFP)
Ngày 17/6, trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, có thể tổ chức các cuộc hòa đàm mới đối với cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Ông Macron gợi ý, các cuộc gặp thượng đỉnh tới có thể được thực hiện dưới định dạng Bộ tứ Normandy, bao gồm các Tổng thống Pháp, Ukraine, Nga và Thủ tướng Đức, nhằm xem xét những tiến bộ đã đạt được.
Tổng thống Macron hoan nghênh mong muốn của người đồng cấp Zelensky nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine và khẳng định có nhiều "yếu tố mới" sau khi ông Zelensky lên nắm quyền.
Về phần mình, ông Zelensky nói rằng, ưu tiên của ông là "kết thúc chiến tranh và lấy lại các vùng lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập", nhưng điều này không thể đạt được bằng các biện pháp quân sự. Theo ông, chìa khóa duy nhất cho hòa bình là "áp lực ngoại giao và các biện pháp trừng phạt".
Chuyến thăm Paris diễn ra sau khi ông Zelensky gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Tổng thống Ukraine, với mục đích thúc đẩy châu Âu tăng áp lực buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU đã hoan nghênh quá trình bầu cử ở Ukraine và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ ông Poroshenko sang tân Tổng thống Zelensky.
Hiện châu Âu đang theo dõi sát sao những bước đi đầu tiên của ông Zelensky, một người không có kinh nghiệm chính trị mà nổi tiếng từ vai chính trong một bộ phim truyền hình cực kỳ ăn khách.
Kể từ năm 2014, khoảng 13.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine giữa các lực lượng của Chính phủ và phe ly khai được Nga hậu thuẫn, nổ ra sau khi Tổng thống thân Kremlin của Ukraine bị lật đổ và Nga sáp nhập Crimea.
Kiev và những người ủng hộ phương Tây cáo buộc Nga đã đưa quân đội và vũ khí qua biên giới để tiếp diễn cuộc xung đột. Moscow đã bác bỏ các cáo buộc này.
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024