Ấn Độ triển khai tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân “nắn gân” Pakistan
19/03/2019 07:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ấn Độ đã chuyển hàng chục tàu chiến, bao gồm tàu sân bay và tàu ngầm năng lượng hạt nhân từ chế độ tập trận sang chế độ sẵn sàng tác chiến nhằm "nắn gân" Pakistan, trong bối cảnh 2 quốc gia Nam Á căng thẳng vì tranh chấp biên giới.
Các tàu chiến Ấn Độ (Ảnh minh họa: AFP)
RT dẫn thông báo ngày 17/3 của hải quân Ấn Độ cho biết lực lượng này đã triển khai hàng chục tàu chiến, gồm tàu sân bay do Nga chế tạo INS Vikramaditya, các tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong bối cảnh New Delhi vẫn đang trong tình trạng căng thẳng với láng giềng Pakistan.
Trước đó, hầu hết các tàu chiến trên đã tham gia cuộc tập trận TROPEX 2019, cuộc tập trận lớn nhất Ấn Độ với sự tham gia của hải quân, không quân và lục quân. Khi tình hình trở nên căng thẳng, Ấn Độ đã nhanh chóng "chuyển các tàu chiến trên từ chế độ tập trận sang chế độ sẵn sàng tác chiến", thông báo cho hay.
Hải quân Ấn Độ cho biết động thái trên nhằm “ngăn chặn, răn đe và đánh bại bất cứ hành động xấu nào của Pakistan trên biển”.
Thông báo của hải quân Ấn Độ không nói rõ về thời gian triển khai, cũng như các tàu ngầm mà họ tính triển khai. Hiện Ấn Độ có 2 loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là INS Chakra, tàu ngầm tấn công lớp Akula thuê của Nga và INS Arihant, tàu ngầm có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát ở ở khu vực tranh chấp Kashmir từ cuối tháng 2. Ngày 26/2, không quân Ấn Độ được cho là đã vượt qua đường ranh giới LoC để tấn công các mục tiêu khủng bố Jaish-e-Mohammed nằm ở khu vực Pakistan quản lý.
Trước đó, một phần tử của nhóm trên ngày 14/2 đã thực hiện vụ đâm xe liều chết vào xe cảnh sát Ấn Độ ở Kashmir làm hơn 40 người thiệt mạng. Ấn Độ đã cáo buộc Pakistan tài trợ khủng bố, điều mà Islamabad bác bỏ.
Sau vụ tấn công ngày 26/2, hai quốc gia Nam Á tiếp tục căng thẳng. Islamabad đã đáp trả bằng việc tấn công các mục tiêu tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả của các trận không kích vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi, khi 2 bên đưa ra thông tin không trùng khớp nhau về tính hiệu quả cũng như thiệt hại của 2 bên.
Reuters ngày 17/3 dẫn các nguồn tin từ 2 bên cho biết căng thẳng hồi cuối tháng 2 dường như suýt nữa đã trở nên mất kiểm soát và leo thang trở thành chiến tranh giữa 2 quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024