Cuộc chiến thu hút nhân tài

20/12/2018 04:08 PM


Những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới như: Google, Microsoft, Coca-Cola, McDonald, Pepsi... đều có giám đốc điều hành là người nhập cư.

Những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới như: Google, Microsoft, Coca-Cola, McDonald, Pepsi... đều có giám đốc điều hành là người nhập cư.
 >> 22 nghị sĩ Dân chủ ngăn Tổng thống Trump trục xuất người nhập cư gốc Việt
 >> Mỹ bắt giữ số người nhập cư trái phép kỷ lục

Hiện có hơn 3% người trên thế giới sống bên ngoài quốc gia họ chào đời. Trong khi tỉ lệ người di cư trong tổng dân số thế giới hầu như không thay đổi suốt 6 thập kỷ qua, thành phần người di cư đã có sự thay đổi.

Số lượng người di cư có trình độ, kỹ năng cao tăng lên đáng kể so với người di cư tay nghề thấp do sự toàn cầu hóa về nhu cầu nhân tài. Diễn biến này có yếu tố địa lý. Gần 75% số người di cư có tay nghề cao đang cư trú tại Mỹ, Anh, Canada và Úc. Hơn 70% kỹ sư phần mềm ở Thung lũng Silicon là người sinh bên ngoài nước Mỹ.

Nhiều yếu tố đang thúc đẩy sự thay đổi thành phần làn sóng di cư, trong đó có cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chi phí vận chuyển và liên lạc giảm (người di cư tay nghề cao có xu hướng đi xa hơn để đến các quốc gia họ muốn làm việc hơn là những người di cư tay nghề thấp) và cơ hội giáo dục hạn chế ở các nước người di cư chào đời. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là sự nhìn nhận ngày càng tăng rằng vốn nhân lực đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức hiện nay.

Một cuộc chiến thu hút nhân tài trên thế giới đang diễn ra và những doanh nghiệp nào quản lý tốt nguồn nhân tài toàn cầu đều đang ăn nên làm ra. Hầu hết tập đoàn đa quốc gia cho rằng những giám đốc điều hành tiềm năng có kinh nghiệm quốc tế nhờ làm việc ở nhiều nước. Vì thế, điều kiện tiên quyết để tuyển mộ nhân sự cấp cao là từng làm việc tại nhiều nước. Những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới như: Google, Microsoft, Alcoa, Clorox, Coca-Cola, McDonald, Pepsi và Pfizer đều có giám đốc điều hành là người nhập cư.


Giám đốc điều hành Công ty Google, ông Sundar Pichai là một người nhập cư từ Ấn Độ. Ảnh: REUTERS


Giám đốc điều hành Công ty Google, ông Sundar Pichai là một người nhập cư từ Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Một yếu tố quan trọng khác trong các xu hướng di cư toàn cầu là nhân khẩu học. Trong lúc dân số ở hầu hết quốc gia phát triển đang lão hóa thì nhiều nước đang phát triển có tỉ lệ dân số trẻ ngày càng cao. Tại Ấn Độ, cứ 4 người ở độ tuổi 20 thì có 1 người 65 tuổi. Tỉ lệ này ở Tây Âu là 1:1. Đồng thời, lương trung bình ở các nước thu nhập cao hiện nhiều gấp 70 lần so với các nước thu nhập thấp. Nhìn chung, những khác biệt về nhân khẩu học và tiền lương đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc làn sóng di cư.

Dù cuộc cạnh tranh nhân tài toàn cầu ban đầu thúc đẩy các nước phát triển tạo ra thị thực đặc biệt để thu hút người có tay nghề cao, quan điểm chính trị về người nhập cư ở các quốc gia này đang chuyển sang hướng tiêu cực. Di cư bị xem là mối đe dọa đối với người lao động bản xứ dù có bằng chứng cho thấy tác động của sự dịch chuyển lực lượng lao động này là rất nhỏ.

Trong khi đó, tác động bất lợi của di cư đối với tài chính công của nước sở tại cũng rất hạn chế. Người di cư ban đầu có thể ảnh hưởng đến ngân sách của đất nước họ đến sinh sống nhưng chi phí này là rất thấp và ngắn hạn hơn so với chi phí giáo dục một đứa trẻ chào đời tại nước đó. Đáng chú ý, những người nhập cư có trình độ học vấn cao đang đóng góp tích cực cho tài chính công ở các nước phát triển bởi họ phải đóng nhiều thuế hơn những gì được hưởng từ các sản phẩm, dịch vụ công.

Đương nhiên, di cư không phải là một phương pháp dài hạn tối ưu để cải thiện năng suất trong nền kinh tế tri thức nhưng lại giúp tăng tốc độ khuếch tán công nghệ trong ngắn hạn. Một động lực mạnh mẽ khác giúp hội nhập và trao đổi kinh tế toàn cầu là internet, được một số người xem là sự thay thế cho tính di động toàn cầu. Internet cho phép một số hình thức làm việc từ xa nhưng vẫn chưa thể thay thế mạng lưới cộng đồng người di cư. Thay vào đó, những kết nối giữa các cộng đồng người di cư giúp thúc đẩy phát minh sáng tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Chẳng hạn, quá trình trao đổi kiến thức và công nghệ thông qua các mối liên kết với cộng đồng người di cư của Ấn Độ cho phép nước này đốt cháy các giai đoạn phát triển truyền thống.

Các nhà hoạch định chính sách hiện có nhiều công cụ để cải thiện tính di động của nhân tài toàn cầu. Bản chất nhiều khía cạnh của vấn đề đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa các lĩnh vực công và tư nhân. Các công ty và trường đại học đang đi đầu trong cuộc cạnh tranh tài năng toàn cầu nhưng các tổ chức quản trị toàn cầu, ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức xã hội cũng đóng vai trò chủ chốt. Công nghệ cũng có tầm quan trọng không kém bởi nó cho phép khai thác nhân tài từ xa thông qua hội nghị video, các nền tảng số, trao đổi lao động trực tuyến và một loạt ứng dụng khác.

Cuộc đua tìm kiếm nhân tài toàn cầu sẽ tiếp tục tăng tốc khi các quốc gia và doanh nghiệp cạnh tranh để thu hút những người tài giỏi nhất. Các nước có thu nhập trung bình bên ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - đang trở thành điểm đến thu hút ngày càng nhiều người lao động có tay nghề cao. Một khi các quốc gia này tiếp tục phát triển, sức ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của các nền kinh tế tiên tiến sẽ tiếp tục giảm. Cuộc đua vẫn còn "nóng bỏng" phía trước.

Theo Dân Trí