Chuyện chưa từng có ở biên giới liên Triều

14/12/2018 08:01 AM


Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đã băng qua Khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt giữa hai nước kể từ cuộc chiến 1950-1953.

Các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đã băng qua Khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt giữa hai nước kể từ cuộc chiến 1950-1953.
 >> Những người Hàn Quốc hâm mộ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
 >> Tổng thống Hàn Quốc "khoe" món quà quốc khuyển từ Triều Tiên

Hôm 13-12, đài BBC cho biết binh sĩ liên Triều đang kiểm tra việc tháo dỡ các trạm gác tại DMZ dọc biên giới.

Những cảnh quay cho thấy họ bắt tay nhau ở biên giới trước khi băng qua DMZ vào lãnh thổ của nhau, lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 tạm đình chiến.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý loại bỏ một số trạm gác dọc biên giới liên Triều.

Hai người đã tổ chức một cuộc gặp lịch sử vào tháng 4, qua đó làm tiền đề cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Singapore hồi tháng 6.


Binh sĩ liên Triều bắt tay nhau ở biên giới trước khi băng qua DMZ vào lãnh thổ của nhau. Ảnh: Herald Sun


Binh sĩ liên Triều bắt tay nhau ở biên giới trước khi băng qua DMZ vào lãnh thổ của nhau. Ảnh: Herald Sun

Bắt đầu từ tháng 11, hai miền Nam – Bắc Triều Tiên đã cho nổ hoặc tháo dỡ các trạm gác dọc biên giới. Hôm 12-12, thanh sát viên Hàn Quốc đến từng trạm gác để kiểm tra quá trình loại bỏ, trong khi thanh sát viên Triều Tiên cũng thực hiện hành động tương tự.

Tuy nhiên, cả hai bên vẫn còn nhiều trạm gác trong DMZ, trên và dưới lòng đất, chưa bị loại bỏ. Điều này được xem là bước đột phá lớn khi chỉ mới cách đây 1 năm, tiếng súng còn vang lên ở DMZ sau vụ một binh sĩ Triều Tiên đào tẩu qua biên giới.

DMZ là một khu vực dài 250 km và rộng 4 km chạy ngang bán đảo Triều Tiên. Nó được củng cố bằng dây thép gai, camera giám sát và hàng rào điện, đồng thời được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng chục ngàn binh sĩ ở cả hai bên.


Ảnh: EPA


Ảnh: EPA

Mặc dù đạt được những tiến bộ ban đầu song trở ngại lớn nhất để thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đó là chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn tồn tại. Trong trường hợp đó, các bên sẽ không thể ký kết thỏa thuận chính thức nhằm chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên cũng như dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Hồi tháng trước, một chuyến tàu từ Hàn Quốc đã băng qua biên giới vào Triều Tiên lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ nhằm khảo sát và giúp Triều Tiên hiện đại hóa mạng lưới đường sắt.

Đã có suy đoán ông Kim Jong-un có thể đến thăm Seoul trong năm nay nhưng Hàn Quốc đầu tuần này nói rằng không có chuyến đi nào như vậy được lên kế hoạch ​​trước năm 2019.

Theo Dân Trí