Việc áp dụng thang lương, bảng lương của các Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp:

13/06/2011 07:41 AM


Trong quá trình thực hiện việc đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của các doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số điều cần trao đổi thêm về việc áp dụng thang lương, bảng lương trong Doanh nghiệp theo khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP và được Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn

Trong quá trình thực hiện việc đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của các doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số điều cần trao đổi thêm về việc áp dụng thang lương, bảng lương trong Doanh nghiệp theo khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP và được Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm cơ sở ký kết hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể, xác định quỹ lương, trả lương, nâng bậc lương và giải quyết các chế độ khác cho người lao động.

- Việc xây dựng thang lương, bảng lương phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP, trong đó:

- Khoảng cách của các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích để người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%;

+ Mức lương thấp nhất trong thang lương, bảng lương quy định đối với lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

+ Mức lương của nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường. Danh mục nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tại Phụ lục số 1 kèm theo Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH hoặc áp dụng các phương pháp khác phù hợp để xây dựng thang lương, bảng lương.

- Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và công bố công khai trong doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp phải đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương (kể cả thang lương, bảng lương được sửa đổi, bổ sung) với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động trước khi công bố áp dụng trong doanh nghiệp, cụ thể:

+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập sau ngày Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành thì trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương;

+ Đối với doanh nghiệp đang hoạt động đã xây dựng thang lương, bảng lương nhưng chưa thực hiện đăng ký hoặc đã đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương nhưng thang lương, bảng lương xây dựng chưa đúng với quy định tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH thì trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định.

- Về áp dụng phụ cấp lương: Doanh nghiệp được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với các công ty nhà nước để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm nghề, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện, môi trường lao động độc hại, nguy hiểm hơn nhưng chưa được xác định trong các mức lương của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng. Doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

Minh Hòa