Ký ức ngày 30/4

29/04/2011 07:24 AM


Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải

Ngày 30/4 ghi trên tờ lịch đỏ đối với nhiều người chắc chắn đã có một ý nghĩa rất "đặc biệt". Và, có lẽ nó sẽ gợi lại một ký ức, một suy nghĩ gì đó chăng? ít nhất là về thời gian, về cuộc đời, về số phận,… Riêng tôi, cứ đến tháng Tư hàng năm, khi nhìn thấy hoa loa kèn trắng có mặt trên từng con đường, từng ngõ phố, trong từng căn nhà nhỏ, lòng tôi lại trào dâng tình cảm khó tả . Cảm xúc ngắm nhìn những bông loa kèn trắng so với những loài hoa màu sắc sặc sỡ khác rất lạ. Có cái gì đó vừa tươi mát, vừa đã qua… qua những ồn ào và bụi bặm. Tháng Tư - mùa hoa loa kèn trắng khơi dậy trong tôi những hoài niệm về quá khứ, hiện tại, tất cả xen lẫn vào nhau để tạo thành một dòng suy nghĩ miên man, vô tận...

Với mỗi người Việt Nam, ngày 30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng thù xâm lược, hoà bình trở lại trên toàn Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ: Non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Vĩ tuyến 17 ngang dòng sông Bến Hải chỉ còn là di tích lịch sử một thời…

Ngày 30/4 hàng năm với tôi như là một kỷ niệm, như là một ký ức không thể nào quên. Đó là những ngày “ chạy giặc ” thật kinh hoàng! Tôi nhớ như in, trên vai mẹ tôi là đôi quang gánh kĩu kịt, một bên là những món đồ quý gía của gia đình một bên là em tôi mắt ngơ ngác ngồi lọt thỏm, tay bám chặt vào sợi dây quang gánh, trên cổ anh trai tôi lắc lư chiếc “ruột nghé” gạo đầy ắp, tôi 6 tuổi cầm gậy dắt ông ngoại mắt mờ chạy theo đoàn người hỗn loạn. Tiếng súng, tiếng đại bác đì đùng, tiếng xe tăng nghiến xuống đường rầm rập, tiếng trẻ con, người lớn khóc thét gọi nhau... Trên quãng đường chạy bộ hơn 50 km, tôi sợ hãi chứng kiến bao nhiêu bóng người ngã xuống, máu chảy lênh láng. Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng tôi không thể quên hình ảnh cô hàng xóm cùng chạy với mẹ con tôi trúng đạn ngã xuống, tay vẫn còn nắm chặt tay hai đứa con trạc bằng tuổi anh em tôi. Mẹ tôi chỉ kịp úp lên mặt cô chiếc nón lá rồi kéo hai đứa con cô chạy tiếp theo chúng tôi. Những ngày ở tập trung tại khu ấp chiến lược Truông Bà Đờn, mọi người sống chen chúc, cuộc sống khó khăn không thể tả. Buổi tối, bọn trẻ chúng tôi nằm ngủ lăn lóc dưới nền đất nóng hầm hập. Đêm nghe tiếng súng nổ, sợ hãi thức giấc vì không có mẹ bên cạnh. Sáng ra, tôi mới biết mẹ vượt bom đạn, chạy ngược về nhà trên quãng đường dài 50 cây số để hái những quả đậu xanh đang mùa thu hoạch dở trước khi “chạy giặc” xuống nấu cháo cho chúng tôi ăn trong những ngày chạy loạn. Đến giờ, mỗi lần nhìn thấy món cháo đậu xanh bình dị, tôi nhớ mẹ nao lòng.

Ký ức ngày quê hương giải phóng của tôi là một cơn mưa rào mùa hè ào ạt như làm thanh lọc và mát mẻ cả một không gian bụi bặm, ngột ngạt trước đó. Trên đường trở về nhà, chúng tôi không còn sợ hãi nữa vì mưa to đã xoá bỏ hết những đống máu hai bên đường, đã có các anh bộ đội mặc quân phục màu xanh lá cây vui vẻ, thân thiện chia cho chúng tôi những mẫu lương khô mà đến giờ nghĩ đến, tôi vẫn còn cảm giác ngon lạ.

Những ngày sau giải phóng, quê tôi bắt đầu từ những đống đổ nát, hoang tàn nhưng tôi nhìn thấy được nét hân hoan trên từng gương mặt người thân. Nhà tôi rộn rã niềm vui vì các cậu sau 21 năm tập kết ra Bắc giờ lần lượt trở về đoàn tụ đông đủ. Nhưng niềm vui không thể trọn vẹn khi xung quanh tôi vẫn còn nhiều mất mát, đau khổ do chiến tranh để lại...

Làng tôi, mọi người đều thân thuộc và gần gũi nhau như người trong nhà, giờ có thêm nhiều phụ nữ và trẻ em từ miền Bắc theo chồng về Nam. Cuộc sống yên bình có lúc cũng dậy sóng vì những cuộc “khẩu chiến” giữa các bà vợ xảy ra. Còn bọn trẻ chúng tôi vẫn vô tư kết bạn, vô tư bày thêm những trò chơi mới...

Mới đó, mà đã 36 năm, một thời gian có thể tính bằng cả “nửa đời Người”. Bỗng thấy, thời gian ngày càng trôi đi thật nhanh, nhanh hơn khi mình kịp cảm nhận được mọi thứ. Những em bé cất tiếng khóc chào đời năm nào nay cũng đã qua nửa đời người. Những bạn bè cùng lứa 6x với tôi mới năm nào sau giải phóng ngỡ ngàng bước chân vào lớp 1 nay đã bắt đầu bước chân qua dốc bên kia cuộc đời 36 năm đã trôi qua. Thời gian hơn 1/3 thế kỷ là khoảng cách cần thiết để chúng ta càng nhận ra ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng 30/4/1975. Đó là ngày hoà hợp dân tộc, từng gia đình sum họp, cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên CNXH, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Có trải qua những năm tháng chiến tranh, sống trong những ngày loạn lạc, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc. Vì cuộc sống hoà bình và toàn vẹn lãnh thổ mà cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến 30 năm. Vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam càng quý trọng những ngày tháng hôm nay, càng trân trọng những thành quả có được sau hơn 20 năm đất nước đổi mới trong bối cảnh đất nước hoà bình, xã hội ổn định.

Không sinh ra trong ngày tháng Tư có hoa loa kèn trắng, kỷ niệm cũng không thếp dày trong những ngày ấy, nhưng ký ức tuổi thơ lại làm cho tôi nặng lòng với tháng Tư đến thế. Tháng Tư sắp chia xa, tạm biệt hoa loa kèn trắng! Lòng chợt thấy bình yên lạ. Những nỗi buồn trôi đi theo dòng suy nghĩ...Vì bình yên là thế, có bình yên nào mà không xót xa?

SK