Khi nào thực hiện việc khấu trừ lương hưu, trợ cấp BHXH ?

21/04/2011 01:31 PM


Lương hưu và trợ cấp BHXH là thu nhập hợp pháp của công dân, được Hiến pháp bảo hộ bằng quyền sở hữu của công dân đối với tài sản. Việc chi trả - nhận lương hưu, trợ cấp BHXH là một giao dịch dân sự giữa bên chi trả là tổ chức BHXH (hoặc người đại diện chi trả) và bên nhận là người hưởng chế độ.

Lương hưu và trợ cấp BHXH là thu nhập hợp pháp của công dân, được Hiến pháp bảo hộ bằng quyền sở hữu của công dân đối với tài sản. Việc chi trả - nhận lương hưu, trợ cấp BHXH là một giao dịch dân sự giữa bên chi trả là tổ chức BHXH (hoặc người đại diện chi trả) và bên nhận là người hưởng chế độ.

Trong nhiều trường hợp, người được hưởng chế độ BHXH không tự mình đến cơ quan BHXH hay các đại lý chi trả nhận tiền trực tiếp mà thông qua một người khác, gọi là người đại diện. Theo Bộ luật dân sự có 2 loại hình đại diện: Đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật.

Đối với loại hình đại diện theo ủy quyền được quy định rõ tại Quyết định số 845/QĐ-BHXH ngày 18/6/2007: “Đối tượng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bằng tiền mặt nếu không trực tiếp nhận tiền phải ủy quyền cho người khác nhận thay (mẫu số 18a-CBH), thời hạn ủy quyền tối đa là 6 tháng. Đối với các đối tượng hưởng cùng sống trong một hộ gia đình, có thể ủy quyền cho một trong số những người hưởng chế độ BHXH nhận thay (mẫu số 18b-CBH), thời hạn mỗi lần ủy quyền tối đa là 1 năm”.

Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và có chứng thực của cơ quan thẩm quyền. Điều quan trọng nhất cho một trường hợp ủy quyền là phải thể hiện được ý chí của người ủy quyền. Việc ủy quyền chỉ có hiệu lực pháp lý khi người ủy quyền có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và được tự do thể hiện ý chí của mình, không bị lừa dối hoặc cưỡng ép. Như vậy loại hình đại diện theo ủy quyền chỉ được áp dụng trong trường hợp người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) (là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và có từ đủ 18 tuổi trở lên). Thực tiễn chi trả nhiều năm qua cho thấy, hầu hết các trường hợp ủy quyền đều do người có năng lực hành vi dân sự lập, thể hiện được ý chí của người ủy quyền.

Mặc dù Quyết định số 845/QĐ-BHXH quy định rõ: Giấy chứng nhận hưu trí hoặc trợ cấp BHXH do cơ quan BHXH cấp cho đối tượng hưởng không có giá trị để cầm cố, thế chấp. Tuy nhiên, tình trạng đối tượng thế chấp giấy chứng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH đã diễn ra trong thực tế. Phát hiện các trường hợp người nhận thế chấp, cầm cố giấy chứng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH đến nhận tiền, tổ chức BHXH (đại diện chi trả) có thực hiện nhiệm vụ chi trả hay không?

Để trả lời đúng câu hỏi này, chúng ta phải nhận thức được rằng: chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH trực tiếp, tận tay đối tượng là một trong những nguyên tắc quan trọng của tổ chức BHXH. Nguyên tắc này được quy định xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn từ khi ngành BHXH mới được thành lập cho đến nay và được thể hiện rõ trong nhiều văn bản của Ngành. Gần đây nhất là Quyết định số 845/QĐ-BHXH ngày 18/6/2007 của BHXH Việt Nam quy định “BHXH tỉnh, huyện thực hiện chi trả trực tiếp hoặc ủy quyền cho người sử dụng lao động, đại diện chi trả xã, phường, thị trấn, ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản ATM để chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng; phải đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ theo đúng chế độ chính sách BHXH của Nhà nước”. Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006 cũng quy định rõ: Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm “thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn” cho người lao động.

Do đó, trong mọi trường hợp, tổ chức BHXH không được khấu trừ tiền lương hưu, trợ cấp BHXH để trả nợ cho đối tượng trừ khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Mặc dù, từ năm 2004, tại Điều 40 Pháp lệnh Thi hành án dân sự đã quy định rõ: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án (trong đó có Bảo hiểm xã hội) trong việc thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án theo Quyết định cưỡng chế của Chấp hành viên. Đó là: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý thu nhập của người phải thi hành án thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày khấu trừ thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân nói trên có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan Thi hành án số tiền đó để chi trả cho người được thi hành án ". Nhưng thực tiễn, Ngành BHXH chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế “Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án”. Lý do để tổ chức BHXH chưa thực hiện được là vì Pháp lệnh chưa quy định trách nhiệm cụ thể của Bảo hiểm xã hội, mặt khác về mặt hiệu lực pháp lý thì Pháp lệnh Thi hành án dân sự có hiệu lực pháp lý thấp hơn Luật Bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, khoản 3 Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006 quy định rõ: Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm “thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn” cho người lao động. Do vậy, các cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ thực hiện việc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến thu nhập của người phải thi hành án mà không thực hiện việc khấu trừ thu nhập theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đã dành hẳn một chương (chương VIII) gồm 15 điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự. Trong đó, trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội trong thi hành án dân sự đã được quy định cụ thể tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự.

Theo quy định tại Điều 177 Luật Thi hành án dân sự thì Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm:

" 1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về các khoản thu nhập của người phải thi hành án đang được chi trả qua Bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án để thi hành án.

3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo yêu cầu của Luật này. "

Như vậy, những căn cứ mà trước đây cơ quan Bảo hiểm xã hội đưa ra để không thực hiện quyết định cưỡng chế “Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án” của cơ quan thi hành án dân sự đã không còn. Khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009) quy định: " Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau ". So với Luật Bảo hiểm xã hội thì Luật Thi hành án dân sự được ban hành sau nên Bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm thực hiện quy định của Luật Thi hành án dân sự về việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án.

Tóm lại, tổ chức BHXH chỉ được khấu trừ tiền lương hưu, trợ cấp MSLĐ, cụ thể là trừ vào thu nhập của người phải thi hành án( phần lớn là để thực hiện nghĩa vụ nuôi con) khi có yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự. Để triển khai các đơn vị trực thuộc thực hiện việc khấu trừ đúng quy định, BHXH Việt Nam đã có văn bản số 5847/BHXH-BC(30/12/2010) hướng dẫn cụ thể về hồ sơ làm căn cứ để thực hiện việc khấu trừ; mức khấu trừ, quy trình thực hiện; trách nhiệm của BHXH huyện, trách nhiệm của đại diện chi trả, trách nhiệm của BHXH tỉnh và chế độ hạch toán kế toán…

SK