Bảo hiểm thất nghiệp và bài toán trợ cấp thất nghiệp

10/03/2011 10:19 AM


Theo quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm

Theo quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), điều kiện để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

- Đã đóng BHTN từ đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (gọi tắt là mất việc làm) theo quy định của pháp luật. Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 01 (một) ngày trong tháng đó.

- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Trung tâm giới thiệu việc làm) khi bị mất việc làm theo quy định của pháp luật.

- Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm giới thiệu việc làm (ngày thứ nhất trong mười lăm ngày là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc).

Mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm theo quy định của pháp luật.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp: ba tháng nếu có từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng đóng BHTN; sáu tháng nếu có từ đủ ba mươi sáu tháng đến dưới bảy mươi hai tháng đóng BHTN; chín tháng nếu có từ đủ bảy mươi hai tháng đến dưới một trăm bốn mươi bốn tháng đóng BHTN; mười hai tháng nếu đã đóng BHTN từ đủ một trăm bốn mươi bốn tháng trở lên.

Quy định như vậy là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thực sự bị mất việc làm có được khoản thu nhập nhất định để đi tìm việc làm mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHTN. Tuy nhiên, để được hưởng khoản trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đi lại nhiều lần và có thể bị quá hạn hưởng trợ cấp nếu hồ sơ đề nghị hưởng không đảm bảo điều kiện theo quy định, phải bổ sung, điều chỉnh… vì thời hạn đăng ký chỉ có 7 ngày kể từ ngày bị mất việc làm; nộp hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký; giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp do Trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện; chi trả trợ cấp và cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người thất nghiệp trong thời gian hưởng trợ cấp do cơ quan BHXH thực hiện. Vì vậy, người thất nghiệp phải hai lần nộp hồ sơ và hai lần nhận hồ sơ mới có thể nhận được thẻ bảo hiểm y tế và nhận trợ cấp thất nghiệp.

Khó khăn là vậy, song, hiện nay một bộ phận người lao động, nhất là lao động ở khu vực ngoài quốc doanh sau khi đóng BHTN đủ mười hai tháng, họ “sẵn sàng thất nghiệp” để làm thủ tục đăng ký ngay với Trung tâm giới thiệu việc làm và sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký đó họ không vội gì đi làm việc lại, mà làm thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp tính từ ngày thứ mười sáu và tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Đối với Trung tâm giới thiệu việc làm, trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày người lao động đăng ký thất nghiệp sẽ rất khó để biết được người lao động đã có việc làm chưa và thực sự có thể người lao động không vội tìm việc làm mà cứ để cho đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi đã có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động lại “sẵn sàng” có việc làm với chính đơn vị đã “làm cho họ bị mất việc làm” và có thể ngay trong tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đã đóng BHTN. Bởi vì, theo quy định, nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động ít nhất 01 ngày trong tháng đó thì được tính là tháng đóng BHTN. Trong trường hợp này, người lao động “sẵn sàng” thông báo với Trung tâm giới thiệu việc làm về việc đã có việc làm để được hưởng trợ cấp một lần bằng tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại của họ. Đây có thể coi là tình trạng lạm dụng quỹ BHTN được không?

Một trong những nguyên nhân để người lao động “lách luật” có thể xuất phát từ chính quy định của Luật khi thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là ba tháng đối với người lao động tham gia BHTN từ đủ mười hai tháng đến dưới ba mươi sáu tháng. Một cách tính toán rất đơn giản, đóng BHTN một năm được hưởng ba tháng, đóng hai năm được hưởng 3 tháng, đóng gần đủ ba năm cũng được hưởng 3 tháng (kể cả họ làm việc và đóng BHTN liên tục đến gần đủ 72 tháng thì cũng chỉ được hưởng sáu tháng trợ cấp), rất dễ hiểu khi người lao động chọn cách đóng một năm để hưởng ba tháng và mỗi năm thực hiện một lần như trên đã đề cập, như vậy trong vòng ba năm tham gia BHTN, người lao động có thể được hưởng chín tháng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn có việc làm và làm việc bình thường.

Điều gì sẽ xảy ra đối với quỹ BHTN khi tỷ lệ đóng BHTN là 3% mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN (trong đó, người sử dụng lao động đóng 1%; người lao động đóng 1%; nhà nước hỗ trợ 1 % - mặc dù là đóng hằng tháng), trong khi tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm và người lao động được hưởng 03 tháng trợ cấp nếu họ đã đóng đủ 12 tháng BHTN, chưa kể đối với người lao động khu vực ngoài quốc doanh (khu vực có số lượng người lao động bị mất việc làm rất lớn và chủ yếu) mức tiền lương, tiền công đóng BHTN có thể tăng đột biến trong sáu tháng cuối trước khi mất việc làm trong thời gian mười hai tháng tham gia BHTN.

Vấn đề nêu ra ở trên không phải tìm cách bảo vệ quỹ BHTN bằng mọi giá, mà để thấy được những bất cập trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHTN, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung và có cơ chế quản lý phù hợp, đảm bảo cho sự an toàn của quỹ, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHTN. Hơn ai hết quỹ BHTN phải được thực hiện nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ thực sự bị thất nghiệp, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Tiến Mạnh