Đóng bảo hiểm thất nghiệp: Doanh nghiệp “được” nhiều hơn “mất”

18/02/2011 10:35 AM


Nếu như một năm trước đây, khi chính sách bảo hiểm vừa được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách “lách luật” để trốn đóng loại hình bảo hiểm này thì nay tình hình đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lao động, doanh nghiệp được chứ không mất.

Nếu như một năm trước đây, khi chính sách bảo hiểm vừa được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách “lách luật” để trốn đóng loại hình bảo hiểm này thì nay tình hình đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lao động, doanh nghiệp được chứ không mất.
ThatNghiep1702.jpg
Nhiều công nhân đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh sưu tầm

Thành công ngoài mong đợi

Sau một năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đánh giá là thành công khi năm 2010 bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả cho hơn 150 ngàn người, là một trong những sự kiện nổi bật của năm trong ngành lao động.
Ông Nguyễn Đại Đồng - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, tính thời thời điểm này, tổng số người lao động đang tham gia BHTN là 6,6 triệu người. Tổng quỹ BHTN đã đạt hơn 7.800 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng trong năm 2010, mức thu BHTN đã đạt 4.800 tỉ đồng. Ông Đồng cũng cho biết, khoảng 190.000 người tiếp tục đăng ký tham gia BHTN và 156.000 người đã có quyết định được hưởng BHTN. Năm 2010, quỹ BHTN đã chi trả khoảng 550 tỉ đồng. “Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cao hơn nhiều so với dự kiến. Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á thành công với chính sách bảo hiểm này” - một chuyên gia của Bộ LĐTBXH nhận định.

DN “được” nhiều hơn “mất”

Mặc dù phải chi trả 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng cho người lao động trong chính sách BHTN, nhưng nhiều DN tỏ ra rất hào hứng. Phần lớn họ đã ý thức được trách nhiệm đối với lao động của chính DN mình.

Tại Cty gạch ngói Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) công nhân nắm rất rõ về chính sách này. Nhiều công nhân cho biết, họ đã được Cty hướng dẫn cụ thể khi tham BHTN. Theo anh  Trần Văn Bình, công nhân tổ máy, hàng tháng người lao động đóng BHTN bằng 1% tiền lương, tiền công tháng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Như vậy, quyền lợi của người lao động đã được quan tâm nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Lý - công nhân tổ ra lò cho biết, BHTN giúp LĐ giảm thiểu rủi ro khi không may bị mất việc làm. Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng bảo hiểm y tế theo quy định.

Ông Đinh Văn Nhung - TP kỹ thuật Cty - nhận xét: đã đến lúc các DN cần quan tâm đến lợi ích thiết thực của người lao động. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của chính doanh nghiệp. Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Bích - GĐ một DN trong lĩnh vực xây dựng - cũng cho rằng, DN chủ động đóng BHTN cho LĐ là cách để giữ chân LĐ. Khi người lao động được hưởng đầy đủ những phúc lợi tối thiểu, họ sẽ làm việc bằng chính khả năng chứ không phải là làm việc một cách đối phó.

Theo BHXH VN