Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em ở huyện IaPa qua 5 tháng đầu năm

03/06/2010 01:27 PM


Ngay từ đầu năm 2010 TTYT huyện Ia Pa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu người bệnh tham gia BHYT như: Đẩy mạnh công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em đến tận 09 trạm y tế xã; các trạm y tế xã được hướng dẫn lập dự trù thuốc, vật tư khám và điều trị tại cơ sở y tế

Qua 05 tháng triển khai in và cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện Ia Pa đã có 6.612 thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi được phát hành đạt gần 80% tổng số trẻ em trên địa bàn. 5 tháng qua đã có trên 850 lượt trẻ em dưới 6 tuổi đến khám và điều trị; trong đó điều trị nội trú gần 350 lượt với số tiền gần 600 triệu đồng, ngoại trú hơn 500 lượt với số tiền trên 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua việc cấp phát thẻ BHYT kịp thời đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho trẻ em khi đi KCB ở các cơ sở y tế, nhất là công tác chuyển viện lên tuyến trên.
 

Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và đối tượng trẻ em dưới 06 tuổi trên địa bàn huyện Ia Pa nói riêng. Ngay từ đầu năm 2010 TTYT huyện Ia Pa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu người bệnh tham gia BHYT như: Đẩy mạnh công tác chăm lo sức khỏe cho trẻ em đến tận 09 trạm y tế xã; các trạm y tế xã được hướng dẫn lập dự trù thuốc, vật tư khám và điều trị tại cơ sở y tế; tổ chức quán triệt Luật BHYT và các văn bản liên quan của Nhà nước đến toàn thể đội ngũ y, bác sĩ ở trung tâm y tế và các trạm y tế xã. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong đón tiếp, khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí đối với người bệnh tham gia BHYT, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tạo được sự tin tưởng đối với người dân trên địa bàn huyện.

Mặc dù công tác KCB cho trẻ em ở Ia Pa đạt được những kết quả nhất định, song bên cạnh đó còn gặp không ít khó khăn do TTYT huyện chưa có khoa nhi, chưa được đầu tư trang thiết bị chuyên khoa cần thiết riêng cho trẻ em; các trạm y tế xã chưa có phòng điều trị riêng cho trẻ em, trang thiết bị phục vụ KCB còn thiếu thốn; kiến thức về nhi của cán bộ y tế cơ sở còn rất hạn chế. Ngay ở TTYT huyện là tuyến chuyên môn cao nhất ở địa phương còn thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi, chỉ tiêu đào tạo điều dưỡng chuyên ngành nhi còn ít, chế độ phụ cấp ưu đãi của ngành y tế chưa được thực hiện, nên chưa thu hút được đội ngũ y, bác sĩ làm chuyên ngành nhi… Do vậy, để nâng cao hiệu quả, chất lượng KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi, thiết nghĩ cần phải có một số giải pháp đồng bộ như: hằng năm, ngành y tế nên tranh thủ các nguồn vốn hoặc dành một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thêm thiết bị y tế phục vụ cho công tác KCB trẻ em; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ làm công tác điều trị nhi khoa tuyến cơ sở; cần khẩn trương có danh mục thuốc phù hợp với đối tượng trẻ em, đảm bảo sự công bằng và để các trạm y tế cơ sở dễ sử dụng; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích thiết thực của trẻ em khi được cấp thẻ BHYT.

Bảo Hoàng