Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội.

01/06/2010 03:11 PM


Theo công ước quốc tế, những người dưới 18 tuổi là trẻ em. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam quy định trẻ em là công dân dưới 16 tuổi.

Theo công ước quốc tế, những người dưới 18 tuổi là trẻ em. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em Việt Nam quy định trẻ em là công dân dưới 16 tuổi.

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em không phải chỉ có trong thời đại ngày nay mà ngay từ khi Chủ nghĩa Mác ra đời đã đề cấp đến. Khi chủ nghĩa tư bản phát triển, để hạn chế đấu tranh của nam công nhân và những người lao động lớn tuổi, giai cấp tư sản chuyển sang sử dụng nhiều lao động nữ và trẻ em, hơn nữa sử dụng lực lượng lao động này giới chủ chỉ phải trả lương thấp, để lợi nhuận của họ ngày càng nhiều hơn. Lao động trong nhà máy, công xưởng làm cho trẻ em suy yếu về thể chất, không được chăm sóc và giáo dục đầy đủ, vì vậy C.Mác đã lên án mạnh mẽ: lòng tham của giai cấp tư sản nhẫn tâm, cướp mất trường học và bầu không khí trong lành của trẻ em, để cho giới chủ tư sản bòn rút sức lực trẻ em lấy lợi nhuận và nền đại công nghiệp phát triển tư bản chủ nghĩa đã biến trẻ em thành những món hàng mua bán, những công cụ lao động đơn thuần.



Tuy nhiên, C.Mác không chỉ trích nặng vấn đề sử dụng lao động trẻ em, mà lên án việc biến trẻ em thành món hàng mua bán và sử dụng lao động trẻ em vào mục đích lợi nhuận của giai cấp tư sản. Ông cho rằng cần phải giáo dục, từng bước nâng cao kỹ năng lao động cho con người từ khi còn nhỏ và trong một chế độ xã hội hợp lý mỗi trẻ em từ 9 tuổi trở lên đều phải trở thành người lao động sản xuất.

Ở Việt Nam, vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em đã được nói đến từ lâu, nhất là từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, vấn đề trẻ em đã được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong thư Trung thu gửi các cháu thiếu niên và nhi đồng năm 1952, Bác Hồ viết: “…Mong các cháu cố gắng, Thi đua học và hành, Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình, Để tham gia kháng chiến, Để gìn giữ hòa bình, Các cháu hãy xứng đáng, Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Trẻ em vốn chưa phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực và năng lực, cho nên quyền trẻ em cần phải được bảo vệ. Các em không thể tự bảo vệ mình được, do đó, nghĩa vụ của xã hội là phải bảo vệ các em.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, coi đó là nhiệm vụ của cả cộng đồng, xã hội. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người và trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ tổ quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, việc quan tâm đến con người nói chung, trẻ em nói riêng là mục tiêu cơ bản chi phối đường lối cách mạng của Đảng ta. Đảng ta đã chỉ rõ: Các em thiếu niên, nhi đồng ngày nay sẽ là lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sau này. Quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng là quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng một lớp người mới không những phục vụ cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hiện nay mà còn chính là cho sự nghiệp xây dựng cộng sản chủ nghĩa sau này.

Trẻ em là người chủ tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là “Bồi dưỡng thế hệ Cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” như Bác hồ đã căn dặn trong Di chúc của Người.

Quá trình phát triển của trẻ em gắn liền với quá trình học tập và vui chơi. Chơi mà học, học mà chơi, trẻ em “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Những trò chơi kích động, bạo lực và các trò chơi phản giáo dục khác sẽ làm cho các em nhiễm thói hư, tật xấu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí lực, thể lực của các em. Bảo vệ trẻ em cũng là làm sao cho trẻ em được học hành đầy đủ và tử tế, tránh cho trẻ em tiếp xúc với thói hư, tật xấu, những trò chơi bạo lực, phản giáo dục, nhất là trong thời đại bùng nổ của khoa học công nghệ, khi mà internet đầy rẫy những trò chơi bạo lực, trò chơi kích động mà các nhà chức trách (kể cả gia đình và cha mẹ các em) không thể kiểm soát nổi. Tình hình trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn nhiều vấn đề bức xúc và bất cập cần phải giải quyết như tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trẻ em bị nhiễm các bệnh dịch như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, dịch HIV/AIDS lây từ mẹ sang trẻ sơ sinh… Số trẻ em lang thang kiếm sống, lao động làm thuê ở các đô thị, trẻ em gái bị xâm hại tình dục, trẻ em phạm pháp có chiều hướng gia tăng. Một số hành vi của người lớn như ngược đãi, buôn bán trẻ em, lợi dụng trẻ em để tham gia buôn bán ma túy, vi phạm quyền trẻ em… mà xã hội đang lên án.

Vì vậy, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là đào tạo những lớp người mới có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực và thể lực, dạy dỗ các em có kiến thức, phát triển lành mạnh về trí tuệ và tinh thần, để các em tránh được các dịch bệnh, chống suy dinh dưỡng, chống xâm hại… là công việc bền bỉ, lâu dài, thường xuyên, toàn diện và là trách nhiệm của mọi người, mỗi gia đình, của nhà trường, của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp và của toàn xã hội.

Tiến Mạnh