Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

02/02/2010 01:56 PM


Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam (Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông dương Cộng sản Liên đoàn) diễn ra từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930 (đến ngày 24/02/1930 Đông Dương cộng sản Liên đoàn mới được chấp nhận) tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam (Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông dương Cộng sản Liên đoàn) diễn ra từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 02 năm 1930 (đến ngày 24/02/1930 Đông Dương cộng sản Liên đoàn mới được chấp nhận) tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã quyết định những vấn đề trọng đại của dân tộc gồm: Thống nhất các tổ chức cộng sản Việt nam thành một Đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt; Quyết định hợp nhất các tổ chức Đoàn thể quần chúng, thông qua Điều lệ tóm tắt của Công hội, Đoàn thanh niên Cộng sản, Hội phụ nữ, Hội cứu tế đỏ, Hội phản đế (Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế); Quyết định kế hoạch thống nhất các tổ chức cơ sở đảng trong cả nước, định ra thể thức cử Ban chấp hành Trung ương lâm thời… Chính vì quyết định những vấn đề trọng đại, nên Hội nghị thành lập Đảng có ý nghĩa như một Đại hội.
 
 

Ban chấp hành Trung ương lâm thời gồm 07 đồng chí, do đồng chí Trịnh Đình Cửu đứng đầu. Đến tháng 10/1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương diễn ra tại Hương cảng, Trung Quốc, Hội nghị thông qua Luận Cương chính trị và đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Bầu Ban chấp hành chính thức và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư của Đảng.

- Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng cộng Đông Dương diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935 tại phố Quan Công, Ma Cao, Trung Quốc.

Đại hội đã đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra nước ngoài, thống nhất phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951 tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Đại hội đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trên cơ sở nắm vững và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; tổng kết một bước quan trọng lý luận cách mạng Việt Nam, xác định đường lối cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. - Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng diễn ra từ ngày 05 đến ngày 10/9/1960 tại Hà Nội.

Đại hội quyết định lấy ngày 03 tháng 02 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Đại hội đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng chung đó là: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976 tại Hà Nội với 1.008 đại biểu tham dự.

Đại hội đề ra đường lối cách mạng XHCN và đường lối xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN. Đây là Đại hội toàn thắng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ năm của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982 tại Hà Nội với 1.033 đại biểu tham dự.

Đây là Đại hội của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đại hội đưa ra khái niệm chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu tạo ra những tiền đề cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

- Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ sáu của Đảng diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986 tại Hà Nội với 1.129 đại biểu.

Đại hội đã hoạch định đường lối đổi mới và mở đầu quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Đại hội quyết định Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.

- Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng diễn ra từ ngày 24 đến 27/6/1991 tại Thủ đô Hà Nội với 1.176 đại biểu. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây là Đại hội của Trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết.

Đại hội đã khẳng định Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 01/7/1996. Tham dự Đại hội có 1.198 đại biểu. Trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới, Đại hội khẳng định nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX của Đảng diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.168 đại biểu. Đây là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam – thời kỳ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu và nhiều Đoàn đại biểu quốc tế. Đại hội X của Đảng là Đại hội “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Những thành tựu vĩ đại, những mốc son lịch sử qua các kỳ Đại hội đã ngày càng khẳng định cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho tổ quốc; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt; đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, chúng ta đang tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Năm 2010 là năm kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2010), chúng ta càng tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tiến Mạnh