Khó khăn trong giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các quyết định, hành vi về BHXH

01/12/2009 08:15 AM


Loại thứ nhất: Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH (Khoản 1- Điều 131), trình tự, thủ tục giải quyết được áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo (KNTC), và khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan ra quyết định giải quyết khiếu nại mà khởi kiện trước Tòa án thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được áp dụng để giải quyết.

Luật BHXH đã phân chia các khiếu nại về BHXH thành hai loại khác nhau:

- Loại thứ nhất: Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH (Khoản 1- Điều 131), trình tự, thủ tục giải quyết được áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo (KNTC), và khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan ra quyết định giải quyết khiếu nại mà khởi kiện trước Tòa án thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được áp dụng để giải quyết.

- Loại thứ hai: Khiếu nại đối với những quyết định, hành vi về BHXH của tổ chức BHXH, được quy định rõ quy trình, thủ tục giải quyết riêng biệt tại Điều 56-Nghị định 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật BHXH.

Như vậy, từ khi Luật BHXH đi vào cuộc sống, ngành Tòa án lại có thêm nhiệm vụ mới: giải quyết các vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH. Tùy theo bản chất của loại hình vụ kiện, Tòa án xác định đó là tranh chấp dân sự, tranh chấp lao động hay là một vụ kiện hành chính để từ đó áp dụng các thủ tục tố tụng tương xứng. Trong hoạt động tố tụng nói chung (trừ tố tụng hình sự), có quy định về nguyên tắc các bên tham gia tranh tụng có quyền lựa chọn Tòa án, lựa chọn thủ tục tố tụng để giải quyết.

Về mặt lý luận thì Tòa án đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ của mình, tuy nhiên trong thực tế khi phát sinh việc khởi kiện, Tòa án các cấp, đặc biệt là cấp huyện còn “bị kẹt”, thụ động, lúng túng, chưa có định hướng trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc. Một phần vì là vụ việc mới phát sinh. Mặt khác, theo chúng tôi được biết hiện nay ngành Tòa án cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật khi xét xử những vụ án về BHXH. Do vậy, ngành Tòa án còn gặp khó khăn trong việc vận dụng pháp luật để giải quyết.

Theo quy định của Luật BHXH, Tòa án chỉ đưa vụ việc ra xét xử khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan có thẩm quyền mà đương sự không thống nhất, tiếp tục khởi kiện tại Tòa án.

Như trên đã nói, việc vận dụng pháp luật để xét xử đã khó, việc giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các khiếu nại loại này cũng không được dễ dàng gì.

Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 56, NĐ 152/2006/NĐ-CP (22/12/2006) quy định rõ trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu như sau:

- Người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức BHXH các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về BHXH của mình bị khiếu nại. Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.

- Khi phát hiện quyết định, hành vi về BHXH trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó. Khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu, người, tổ chức có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại phải xem xét thụ lý và giải quyết khiếu nại.

Như vậy pháp luật đã quy định rõ: chủ thể giải quyết khiếu nại lần đầu đối với các trường hợp này là người sử dụng lao động (hoặc cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện) hoặc thủ trưởng BHXH các cấp. Nhưng trong thực tế việc giải quyết lần đầu các khiếu nại về QĐ, hành vi về BHXH còn gặp một số khó khăn như:

+ Các đối tượng không gửi đơn khiếu nại đến các đơn vị sử dụng lao động mà thường gửi trực tiếp đến cơ quan BHXH hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với những trường hợp giải quyết chế độ BHXH sau tháng 10/ 1995, hồ sơ của đối tượng do BHXH tỉnh lưu giữ nên việc giải quyết khiếu nại tương đối thuận tiện. Còn đối với các đối tượng trước tháng 10/1995, do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và Liên đoàn lao động giải quyết, có trường hợp đối tượng không đủ điều điện nên không được giải quyết chế độ BHXH. Do đó, không thể có hồ sơ lưu trữ tại BHXH tỉnh nên cơ sở để giải quyết đơn thư của đối tượng là hết sức khó khăn. BHXH tỉnh phải tiến hành việc thẩm tra, xác minh tại các đơn vị và các cá nhân liên quan, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

+ Việc chuyển đơn của các cơ quan nhà nước khi nhận đơn khiếu nại các quyết định, hành vi về BHXH của đối tượng chưa đúng việc, đúng nơi giải quyết. Chỉ cần thấy khiếu nại có nội dung về BHXH là lập tức chuyển đơn sang tổ chức BHXH để giải quyết lần đầu. Đương nhiên, có nhiều việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan BHXH.

Các quyết định, hành vi về BHXH không phải là các quyết định, hành vi hành chính nhưng chúng đều liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động nên đòi hỏi việc giải quyết khiếu nại lần đầu phải chính xác, khách quan và đảm bảo được thời gian theo quy định. Do vậy, khi thực hiện quyền khiếu nại, các đối tượng cần gửi đơn đúng nơi giải quyết. Các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng như trình tự, thủ tục, thẩm quyền do luật định.

Sông Kôn