Đối tượng nào được giảm mức đóng bảo hiểm y tế ?

27/11/2009 10:11 AM


Chúng tôi xin cung cấp một số nội dung cơ bản về xác định rõ từng nhóm đối tượng, mức giảm và thời gian thực hiện để bạn đọc nghiên cứu như sau: Trước hết, xác định đối tượng được giảm mức đóng, bao gồm:

Chúng tôi xin cung cấp một số nội dung cơ bản về xác định rõ từng nhóm đối tượng, mức giảm và thời gian thực hiện để bạn đọc nghiên cứu như sau:

1-Trước hết, xác định đối tượng được giảm mức đóng, bao gồm:

- Đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp (có mức sống trung bình và trên trung bình);

- Thân nhân người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là: Thân nhân người lao động làm công hưởng lương).

2- Tiếp đến phải xác định, phân biệt rõ điều kiện cần có và đủ của các nhóm đối tượng được giảm mức đóng BHYT:

- Đối với đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phải hội đủ các điều kiện: Được chính quyền địa phương có thẩm quyền lập danh sách, ký xác nhận là hộ cận nghèo. Khi toàn bộ người có tên trong hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà tham gia BHYT.

- Điều kiện đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp (có mức sống trung bình và trên trung bình) là: Khi toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà tham gia BHYT. Riêng những hộ có mức sống trung bình phải được chính quyền địa phương có thẩm quyền lập danh sách, ký xác nhận là hộ có mức sống trung bình.

- Đối tượng thân nhân của người lao động bao gồm: bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc chồng; bố, mẹ nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình. Khi có từ hai thân nhân trở lên tham gia BHYT.

Như vậy khi tham gia BHYT các hộ gia đình này phải cung cấp hồ sơ chứng cứ để chứng minh thuộc hộ nghèo, hộ có mức sống trung bình hoặc những người tham gia BHYT đều có tên trong sổ hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà.

3- Sau khi đã xác định được những nội dung nêu trên, căn cứ số lượng người có tên trong sổ hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà để tính mức giảm:

a- Về mức đóng BHYT:

- Đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo kể từ ngày 01/01/2010 đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng.

- Đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp (có mức sống trung bình và trên trung bình) tự nguyện tham gia BHYT đến 31/12/2011 với mức đónghằng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Từ ngày 01/01/2012 đối tượng này có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định Luật BHYT. Trong đó, đối với hộ có mức sống trung bình đươc ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng.

-Đối tượng thân nhân của người lao động bao gồm: bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc chồng; bố, mẹ nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình. tự nguyện tham gia BHYT đến 31/12/2013 với mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu. Từ ngày 01/01/2014 đối tượng này có trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định Luật BHYT với mức đóng hàng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu.

b- Về mức giảm:

- Đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp (có mức sống trung bình và trên trung bình). Nếu có toàn bộ người có tên trong hộ khẩu và đang sống chung trong một nhà tham gia BHYT. Đối tượng thân nhân người lao động làm công hưởng lương khi có từ 2 thân nhân trở lên tham gia BHYT. Đều đựoc giảm với mức đóng, cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất.

Trường hợp người tham gia BHYT được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT thì số tiền ngân sách hỗ trợ được tính theo mức đóng cụ thể của từng người trong hộ gia đình:

Ví dụ 1: Hộ cận nghèo ông A có 5 người được nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng; năm 2010 cả 5 người đều tham gia BHYT và đóng theo hộ gia đình với mức đóng là 4,5% lương tối thiểu (giả sử mức lương tối thiểu tại thời điểm này là 650.000 đồng).

Số tiền hộ gia đình Ông A phải đóng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình Ông A năm 2010 được xác định như sau:

Tổng số tiền hộ gia đình ông A phải đóng là 702.000 đồng, gồm:

- Số tiền đóng của người thứ nhất theo mức 4,5% lương tối thiểu:

650.000 đồng x 4,5% x 50% x 12 tháng = 175.500 đồng

- Số tiền đóng của người thứ hai bằng 90% mức đóng của người thứ nhất:

175.500 đồng x 90% = 157.950 đồng

- Số tiền đóng của người thứ ba bằng 80% mức đóng của người thứ nhất:

175.500 đồng x 80% = 140.400 đồng

- Số tiền đóng của người thứ tư bằng 70% mức đóng của người thứ nhất:

175.500 đồng x 70% = 122.850 đồng

- Số tiền đóng của người thứ năm bằng 60% mức đóng của người thứ nhất:

175.500 đồng x 60% = 105.300 đồng

Tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình ông A là: 702.000 đồng x 50% : 50% = 702.000 đồng

Ví dụ 2: Gia đình Bà B có 3 người thuộc hộ nông nghiệp có mức sống trung bình được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; năm 2010 cả 3 người đều tham gia BHYT và đóng theo hộ gia đình với mức đóng là 4,5% lương tối thiểu (giả sử mức lương tối thiểu tại thời điểm này là 650.000 đồng).

Số tiền hộ gia đình Bà B phải đóng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình Bà B năm 2010 được xác định như sau:

Tổng số tiền hộ gia đình Bà B phải đóng là 663.390 đồng, gồm:

- Số tiền đóng của người thứ nhất theo mức 4,5% lương tối thiểu:

650.000 đồng x 4,5% x 70% x 12 tháng = 245.700 đồng

- Số tiền đóng của người thứ hai bằng 90% mức đóng của người thứ nhất:

245.700 đồng x 90% = 221.130 đồng

- Số tiền đóng của người thứ ba bằng 80% mức đóng của người thứ nhất:

245.700 đồng x 80% = 196.560 đồng

Tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình Bà B là: 663.390 đồng x 30% : 70% = 284.310 đồng.

Trung Lý