Tòa phúc thẩm tiếp tục bác đơn kháng cáo của ông Đỗ Kim Hiến, giữ nguyên bản án sơ thẩm

25/11/2009 02:51 PM


Vụ việc ông Đỗ Kim Hiến hưởng chế độ hưu trí không đúng quy định đã được dư luận trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đã có nhiều cơ quan chức năng giải quyết, song ông Hiến vẫn không chấp nhận và đã khởi kiện tại tòa án thành phố Pleiku, yêu cầu tòa hủy Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 9/5/2008 của Giám đốc BHXH tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH cho ông Đỗ Kim Hiến

Vụ việc ông Đỗ Kim Hiến hưởng chế độ hưu trí không đúng quy định đã được dư luận trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đã có nhiều cơ quan chức năng giải quyết, song ông Hiến vẫn không chấp nhận và đã khởi kiện tại tòa án thành phố Pleiku, yêu cầu tòa hủy Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 9/5/2008 của Giám đốc BHXH tỉnh về việc giải quyết chế độ BHXH cho ông Đỗ Kim Hiến, đồng thời BHXH Gia Lai phải bồi hoàn cho ông số tiền chi phí đi lại khiếu nại, nhờ người xác nhận thời gian công tác là 4.046.430 đồng.

Tại bản án sơ thẩm số 02/2009/LĐST ngày 01/6/2009 về việc tranh chấp về BHXH, Tòa án thành phố Pleiku đã tuyên: Bác toàn bộ yêu cầu của ông Đỗ Kim Hiến, giữ nguyên Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 09/5/2008 của Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai.

Không thống nhất với bản án sơ thẩm, ông Hiến có đơn lên Tòa án phúc thẩm kháng cáo toàn bộ bản án, tiếp tục yêu cầu Tòa phúc thẩm hủy Quyết định số 99/BHXH-QĐ, đòi BHXH tỉnh bồi thường cho ông số tiền nói trên.

Chiều ngày 24/11/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai nội dung kháng cáo của ông Hiến.

Mấu chốt của vấn đề dẫn đến việc ông Hiến khiếu kiện liên tục mà đỉnh điểm là khởi kiện, kháng cáo tại tòa án các cấp là do ông cho rằng: Ông có thời gian công tác tại Điện lực Gia Lai-Kon Tum từ tháng 10/1982-02/1985 (2 năm 5 tháng) là dựa vào giấy xác nhận thời gian công tác tại Điện lực tỉnh do ông Huỳnh Ngọc Nhẫn, ông Phan Thanh Đường nguyên, Giám đốc xác nhận ngày 23/5/2003, ông Trần Sĩ Bình xác nhận ngày 24/11/2003. Nhưng BHXH Gia Lai chỉ chấp nhận thời gian công tác của ông tại đơn vị này là 1 năm 2 tháng, dẫn đến việc ông không đủ thời gian công tác để hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Hiến đã đưa ra nhiều ý kiến cũng như lưu ý nhân thân ông Hiến đã có thời gian trong quân ngũ, đề nghị HĐXX công nhận thời gian công tác cho ông Hiến đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên luật sư cũng như bản thân ông Hiến không có tài liệu, chứng cứ chứng minh được thời gian công tác của ông Hiến tại Điện lực Gia Lai- Kon Tum là 2 năm 5 tháng.

BHXH tỉnh Gia Lai sau khi đưa ra các tài liệu, chứng cứ tại hồ sơ ông Hiến cho thấy trong khoảng thời gian bị tạm giữ, tạm giam tại Công an tỉnh Gia Lai- Kon Tum, ông Hiến không thể cùng lúc công tác tại điện lực Gia Lai - Kon Tum được. Theo xác nhận của Điện lực tỉnh, ông Hiến chỉ công tác tại Điện lực Gia Lai - Kon Tum từ 25/9/1982-02/12/1983 tức 01năm 02 tháng 08 ngày là có cơ sở.

Phản bác ý kiến của Luật sư, BHXH tỉnh Gia Lai đã chứng minh và khẳng định được: Việc ban hành Quyết định số 99/QĐ-BHXH ngày 09/5/2008 của Giám đốc BHXH Gia Lai là hoàn toàn đúng trình tự, thẩm quyền, căn cứ pháp luật và các quy định hiện hành. Cụ thể là dựa vào kết luận của Đoàn thanh tra do UBND tỉnh thành lập theo Quyết định số 1315/QĐ-CT (08/8/2007). Đồng thời, viện dẫn các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tính thời gian công tác, xác nhận lại thời gian công tác như:

+ Thông tư số 13/NV (4/9/1972) hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước:

* Điểm 1, khoản a, điều 14 quy định: Trường hợp tuy được tha, không bị kết án tù nhưng không được tiếp tục công tác, sau này mới được trở lại công tác ở cơ quan, xí nghiệp thì thời gian gián đoạn công tác không được tính, nhưng được cộng thời gian công tác trước khi bị đình chỉ công tác với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục (vận dụng đối với tội tham ô tài sản XHCN của ông Hiến).

* Điểm 1, khoản c, điều 14 cũng quy định: Trường hợp bị đình chỉ công tác, bị tạm giam trước khi bị án treo thì thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giam không được tính là thời gian công tác, còn thời gian công tác trước đó vẫn được cộng với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục (vận dụng tính thời gian công tác đối với tội cố ý vi phạm quy tắc quản lý vũ khí, chất nổ của ông Hiến).

+ Đồng thời, việc xác nhận lại thời gian công tác trong trường hợp hồ sơ gốc bị thiếu, bị mất tại Công văn số 207/LĐTBXH-BTXH (29/01/1991) và Công văn số 853/BHXH-QLT (24/5/2001) quy định: Trường hợp người lao động bị mất, bị thiếu hoặc bị hỏng hồ sơ lý lịch thì phải có xác nhận của đơn vị quản lý, trường hợp cơ quan đã giải thể thì phải có xác nhận của 2 người trở lên cùng làm việc tại đơn vị cũ. Tất cả xác nhận của cá nhân, đơn vị, người cùng làm việc đều phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp ông Hiến, hiện nay cơ quan điện lực nơi ông từng công tác vẫn còn hoạt động nhưng ông Hiến không xác nhận tại đây mà xác nhờ ông Đường, ông Bình xác nhận là không đúng với quy định.

Căn cứ theo các quy định hiện hành và hồ sơ hưởng BHXH của ông Hiến thể hiện, BHXH tỉnh chỉ chấp nhận thời gian công tác của ông Hiến tại Điện Lực Gia Lai - Kon Tum là 1 năm 2 tháng, thời gian còn lại là 1 năm 3 tháng không tính là thời gian công tác có hưởng BHXH vì trong khoảng thời gian này ông Hiến bị tạm giữ, tạm giam và ông Hiến không chứng minh được là có làm việc tại Điện lực Gia Lai - Kon Tum.

Như vậy, thời gian công tác thực tế của ông Đỗ Kim Hiến là 22 năm 6 tháng, quy đổi ra là 29 năm 4 tháng. Theo Điều 1, Nghị định 236/HĐBT (ngày 18 tháng 9 năm 1985) ông Hiến không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, mà chỉ được hưởng chế độ MSLĐ.

Qua xem xét các chứng cứ, tài liệu do các bên cung cung cấp, căn cứ vào các quy định hiện hành của Pháp luật, đến chiều ngày 24/11/2009, Tòa phúc thẩm tòa án tỉnh Gia Lai đã tuyên: Tòa án nhân dân thành phố Pleiku xét xử đúng nội dung pháp luật; bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Đỗ Kim Hiến vì không có căn cứ; Tòa chấp nhận thời gian công tác của ông Hiến tại Điện lực Gia Lai- Kon Tum là 1 năm 2 tháng, thời gian còn lại (1năm 3 tháng) ông Hiến không chứng minh được, do đó thời gian công tác thực tế của ông Đỗ Kim Hiến là 22 năm 6 tháng, quy đổi ra là 29 năm 4 tháng.

Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu giữ nguyên Quyết định số 99/ BHXH - QĐ của BHXH Gia Lai là đúng pháp luật.

Theo pháp luật dân sự quy định, để bảo vệ tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách, BHXH tỉnh có quyền khởi kiện tại tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, buộc ông Hiến nộp vào ngân sách nhà nước số tiền ông đã hưởng sai quy định. Nhưng xét thấy, ông Hiến là thương binh nên BHXH tỉnh đã tạo điều kiện để ông Hiến tự giác thực hiện Quyết định số 99/BHXH-QĐ. Tuy nhiên ông Hiến đã cố ý không thực hiện mà còn khởi kiện, kháng cáo tại Tòa, gây mất rất nhiều thời gian và công sức cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, BHXH tỉnh tiếp tục yêu cầu ông Hiến thực hiện Quyết định số 99/BHXH-QĐ (09/5/2008), nộp dứt điểm vào ngân sách nhà nước, cụ thể là tại BHXH thành phố Pleiku số tiền hưởng sai quy định là 19.875.907 đồng.

Dư luận cũng như đông đảo cán bộ hưu trí tại địa phương đã chờ đợi rất lâu kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Qua hai cấp xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên bản án công tâm, khách quan, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với việc thực hiện công bằng các chính sách BHXH của Nhà nước trên địa bàn.

Sông Kôn