Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam suy nghĩ về “Tôn sư trọng đạo”

19/11/2009 08:09 AM


Có lẽ ai cũng nhận thấy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta như một sợi chỉ đỏ xuyên qua các thời đại. Chỉ có bốn từ ngắn gọn ấy thôi nhưng bên trong cái vỏ ngôn ngữ cổ kính ấy đã chứa đựng biết bao điều triết lý trong cuộc sống nếu những ai thật sự quan tâm đến nó.

Có lẽ ai cũng nhận thấy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta như một sợi chỉ đỏ xuyên qua các thời đại. Chỉ có bốn từ ngắn gọn ấy thôi nhưng bên trong cái vỏ ngôn ngữ cổ kính ấy đã chứa đựng biết bao điều triết lý trong cuộc sống nếu những ai thật sự quan tâm đến nó.

Đối với trong nền giáo dục phổ thông, từ xưa nhân dân ta rất quí trọng việc học hành. Dù nghèo khổ đến đâu, người dân cũng cố gắng cho con đi học không chỉ vì mục đích hiểu biết mà còn có dăm ba chữ để làm người. Trong thời phong kiến thầy, trò được coi như “Đồng môn”. Trò đến ở nhà thầy để học. Thời gian ở nhà thầy, không chỉ học chữ nghĩa mà còn học đạo Nho giáo, học đạo đức, học làm người. Mối quan hệ thầy - trò lúc này là nét đẹp văn hóa ứng xử của nhân dân Việt Nam. Người thầy như tấm gương sáng trong tâm hồn học trò. Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời thanh bần nhưng vì dân, vì nước được người đời thán phục, lưu danh, như: Thầy Chu Văn An ở thế kỷ 14, dâng sớ lên triều đình xin chém đầu 7 kẻ quyền thần. Không được vua chấp thuận, từ bỏ áo quan về quê dạy học. Thầy Đồ Chiểu mù hai mắt nhưng cả đời kiên trung, bằng ngòi bút của mình vạch trần và không chịu khuất phục trước sức mạnh xâm lược của ngoại bang.

Học trò muốn có kiến thức, hiểu về đạo làm người. Nói chung là muốn “Trọng đạo” thì phải “Tôn sư”, đó là lòng biết ơn với người có công dạy dỗ mình nên người. Để tỏ lòng thành kính "tôn sư trọng đạo" thì người học trò phải miệt mài kinh sử, rèn luyện đạo đức. Thể hiện được đạo trò, không chỉ khiêm nhường, tôn kính người thầy mà còn có trách nhiệm rất cao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào; các đồng môn phải chu toàn khi lúc thầy già yếu hoặc “ Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Đối với xã hội: Từ vua đến dân đều tôn trọng thầy: “Muốn sang thì bắt cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Trong bậc thang giá trị thời phong kiến, nhà giáo được xếp trước cha, mẹ chỉ có sau vua: “Quân – Sư – Phụ”. Tất cả điều ấy chỉ toát lên với một ý nghĩa đích thực là tôn sự trọng đạo.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa với một nền giáo dục mới, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng và Đảng ta lãnh đạo, nghề dạy học được coi là nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý”, nhà giáo được vinh danh là “kỹ sư tâm hồn”. Lịch sử cũng đã để lại chúng ta biết: Với bao lớp nhà giáo cách mạng đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” và khi Tổ quốc cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do.
 

Trong công cuộc đổi mới đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, có nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục. Chủ trương đưa đất nước phát triển tiến lên bằng nền kinh tế tri thức. Chính phủ đã chọn lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây có thể xem như là một biểu tượng đẹp cho truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, đâu đấy chúng ta cũng thấy xót xa, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bị xói mòn. Sự cám dỗ về vật chất đã làm mòn con đường đến tri thức thật sự của người đi học. Đồng nghĩa cũng dẫn đến vị trí của người thầy bị giảm sút. Những hình thức mang đậm nét văn hóa tôn sư trọng đạo trước đây bị phá vỡ. Thay vào đó bằng những biểu hiện “mua và bán”.

Nét đẹp “Tôn sư trọng đạo” không chỉ ở “Thầy – Trò” trong ngành giáo dục. Mọi người sống trong cộng đồng xã hội đều có mối quan hệ với biện chứng này. Con người từ khi bước vào đời và phát triển trong xã hội cũng đều bắt nguồn tự sự học. Có thể nói từ việc đơn giản nhất: Học ăn, học nói, học gói, học xách” hay cao hơn nữa về những kiến thức bao quát về kinh tế, chính trị, xã hội học… đều cũng phải học. Do vậy, ai cũng thừa nhận: "Không thầy đố mày làm nên". Quan niệm “người thầy” ở đây được xem là những người đã dạy bảo, giúp đỡ mình thành công trên bước đường đời. Có lẽ vì đó mà cách đây trên 2500 năm, Khổng Tử, bậc thầy vĩ đại, sáng lập ra học thuyết Nho giáo đã rút ra và kết luận: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên” - tức “Trong ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta ở đó”. Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã dạy: “Học ở sách vở, học ở nhà trường, và học ở nhân dân”. Thế nhưng, khi “công thành, danh toại” có người không “trọng đạo”. Xem mình là “cái nôi vũ trụ”, làm vẻ như bề trên của thiên hạ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu với những người xung quanh. Nhìn những “người thầy” của mình với cặp mắt lạnh lùng. Thậm chí người đời nguyền rủa: “Kẻ ăn cháo đá bát”.

Khi suy ngẫm về “Tôn sư - trọng đạo”, nó luôn là nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Chứa đựng nhân bản đầy tình người. Nó không chỉ thể hiện giữa thầy và trò trong mái trường mà còn thể hiện giữa con người với con người ở trường học cuộc đời. Có lẽ các bạn và chúng tôi tin tưởng mong rằng: Trong cơ chế thị trường hiện nay đừng để đốt đuốc đi tìm những người có hành động “Tôn sư trọng đạo” với ý nghĩa chính trực của nó.

Trung Lý