Vấn đề giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau tại đơn vị sử dụng lao động

27/10/2009 09:45 AM


Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động sau thời gian hưởng chế độ ốm đau quy định tại Điều 23 của Luật này mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định.

Theo đó, người lao động được nghỉ tối đa 10 ngày nếu sức khoẻ còn yếu sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khoẻ còn yếu sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại gia đình; bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ tại cơ sở tập trung, bao gồm cả tiền đi và về, tiền ăn và ở.

Căn cứ quy định trên, điều kiện để người lao động được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ là phải sau thời gian nghỉ ốm đau mà sức khoẻ còn yếu; đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau trong một năm từ đủ 30 ngày trở lên. Thời điểm giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ được thực hiện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi người lao động trở lại làm việc mà sức khoẻ còn yếu.

Quy định là như vậy, song, thực tế một số đơn vị sử dụng lao động giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động có nhiều trường hợp chưa đúng quy định. Trong đó chủ yếu là các trường hợp người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau chưa đủ 30 ngày trở lên trong năm theo quy định tại tiết 6 điểm 2 Thông tư số 19/2008/TT-LĐTBXH ngày 23/9/2008 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hoặc đã quá 30 ngày kể từ ngày người lao động trở lại làm việc, nhưng đơn vị vẫn giải quyết cho người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ và lập danh sách đề nghị giải quyết số tiền trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ, đơn vị sử dụng lao động nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội chậm nhiều tháng đã gây khó khăn cho việc giải quyết trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ của người lao động mà đơn vị đề nghị.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội mà còn là trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động. Khi có phát sinh hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ, đơn vị có trách nhiệm nộp kịp thời, đầy đủ hồ sơ hợp lệ của những người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để được giải quyết theo quy định. Có như vậy, quyền lợi của người lao động mới được đảm bảo một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời.

Tiến Mạnh CĐBHXH