Gia Lai: Phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

28/06/2024 07:33 AM


Sáng 25-6, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai diễn ra hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh (KBCB) không thanh toán BHYT nhưng không phải là đối tượng KBCB theo yêu cầu trong cơ sở KBCB Nhà nước do tỉnh quản lý.

Hội nghị phản biện xã hội do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức. Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Bảo hiểm Xã hội, đại diện một số tổ chức, ban, ngành liên quan.

Ông Siu Trung- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội nghị, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: Xét theo cơ sở thực tiễn, hiện nay giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo Nghị quyết số 118/2019/NQ-HĐND ngày 4-4-2019 của HĐND tỉnh trên cơ sở giá dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại thời điểm ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BYT, mức lương cơ sở được tính là 1,49 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư số 21/2023/TT-BYT của Bộ Y tế đã tính theo mức lương cơ sở được tính là 1,8 triệu đồng. Hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với người có thẻ BHYT thực hiện theo Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày 17-11-2023 của Bộ Y tế, đối với người không có thẻ BHYT áp dụng theo Nghị quyết số 118/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Để đảm bảo tính kịp thời và thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và giá dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, tạo sự bình đẳng, không phân biệt về mức giá thu dịch vụ giữa người không có thẻ BHYT và người có thẻ BHYT trong cùng 1 cơ sở khám chữa bệnh, khuyến khích người dân tham gia BHYT, việc ban hành Nghị quyết theo Thông tư số 21 của Bộ Y tế và thay thế cho Nghị quyết số 118 của HĐND là rất cần thiết, phù hợp thực tiễn. UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì xây dựng các nội dung liên quan dự thảo Nghị quyết để lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Ảnh: Như Nguyện

Trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 9% dân số chưa tham gia BHYT. Đây là đối tượng chịu tác động của tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh lần này. Tại hội nghị phản biện xã hội đã ghi nhận 11 ý kiến phản biện.

Theo đó, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi dự thảo về mặt văn bản. Về nội dung tập trung phản biện đối với dự thảo tờ trình của UBND tỉnh, sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết, mục đích quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết, thời gian dự kiến thông qua Dự thảo Nghị quyết…, qua đó tiếp tục hoàn thiện Tờ trình dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định, phù hợp thực tiễn.

Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Như Nguyện

Phát biểu tại hội nghị, ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Mục đích tổ chức hội nghị phản biện xã hội nhằm tham gia góp ý, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung đối với dự thảo Nghị quyết để Nghị quyết có tính khả thi, áp dụng lâu dài, tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân.

Việc tổ chức hội nghị phản biện được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Về các ý kiến, kiến nghị của đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo là Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh có thông báo trả lời cụ thể.

Theo Như nguyện (baogialai.com.vn)