Nhiều bệnh nhân BHYT được chi trả hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh
20/05/2024 01:47 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách BHYT có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân mà còn là thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái để chia sẻ với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe. Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau; người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.
Quỹ BHYT hiện nay thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, với chi phí điều trị lớn. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi KCB được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị bệnh.
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, điển hình một số trường hợp được quỹ BHYT chi trả với chi phí lớn từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024, như: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất với số tiền hơn 4,465 tỷ đồng, có mã thẻ TE1303622XXXXXX (sinh năm 2019, địa chỉ: Phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), chẩn đoán bệnh chính là “Tăng huyết áp, Đái tháo đường type, Suy thận”. Người có mã thẻ TE1171721xxxxxx (sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền” được quỹ BHYT chi trả trên 4,372 tỷ đồng; trường hợp mã thẻ TE1242422xxxxxx (sinh năm 2018, địa chỉ: Xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích luỹ glycogen” được quỹ BHYT chi trả hơn 3,687 tỷ đồng; người bệnh được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 3,684 tỷ đồng có mã thẻ TE1262621xxxxxx (sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chẩn đoán bệnh chính là “Hội chứng loạn sản tuỷ xương, Bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định”…
Riêng tại tỉnh Gia Lai, một số trường hợp người bệnh có chi phí KCB tương đối cao trong năm 2023 như: người có mã thẻ BHYT CB2646423xxxxxx, chẩn đoán bệnh chính là “bệnh viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu”, có chi phí KCB được qũy BHYT chi trả trên 310 triệu đồng; trường hợp người bệnh có mã thẻ HT2525220xxxxxx, được quỹ BHYT chi trả số tiền gần 280 triệu đồng với chẩn đoán bệnh chính là “bệnh viêm phổi, tác nhân không đặc hiệu”... Trong 4 tháng đầu năm 2024; điển hình một số trường hợp được quỹ BHYT chi trả chi phí cao như người bệnh có mã thẻ DT2646422xxxxxx, với chẩn đoán bệnh chính là “Tổn thương nội sọ”, được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 194 triệu đồng; trường hợp có mã thẻ DT2646421xxxxxx được quỹ BHYT chi trả số tiền trên 175 triệu đồng với chẩn đoán bệnh chính là “viêm phổi, không phân loại”…
Có thể khẳng định rằng, chính sách BHYT là một trong những trụ cột của ASXH thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có rất nhiều trường hợp tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả với chi phí khá lớn, qua đó tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm, thể hiện rõ nét tính ưu việt của chính sách này.
Nhã Trúc
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024