Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng chính sách bảo hiểm xã hội phát triển
18/05/2009 02:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khi nghiên cứu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng nhận thức sâu sắc được rằng: Một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trong sự nghiệp giải phóng con người, Người rất quan tâm đến chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với con người.
Qua dòng lịch sử, về bản chất BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất. Nội hàm này đã được một số nước châu Âu thực hiện vào thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau đó lan rộng ra đến các nước khác. Ở Việt Nam ý tưởng về BHXH bắt đầu từ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trên bước đường đi tìm đường cứu nước, khi đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin và chuẩn bị về lý thuyết và tổ chức cho phong trào công nhân, thành lập các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, Người đã thể hiện ý tưởng này trong cuốn sách "Đường Kách Mệnh" được xuất bản đầu năm 1927: "Lại có bất thường phí như để dành lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người mất việc làm, khi ốm đau, tai nạn, hoặc làm những việc công ích v.v. Nếu hội không có tiền thì làm không được". Người còn nêu:" Tổ chức Công hội trước hết là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới". Những nội dung đó, Người luôn quán triệt trong các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Cách mạng Việt Nam trong những năm 1925 - 1927 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đến năm 1929, chính thức đưa vào Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay): "Tổ chức tất cả vô sản giai cấp vào công hội thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền; giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp". Năm 1941 thể hiện trong chính sách của Việt Minh: "Đối vơí công nhân, ngày làm việc tám giờ, định tiền lương tối thiểu; cứu tế thất nghiệp; xã hội bảo hiểm; thủ tiêu các giấy giao kèo nô lệ, lập các giấy giao kèo giữa chủ và thợ, công nhân già có lương hưu trí".
Từ sự thể hiện những ý tưởng khởi đầu thực hiện BHXH của Chủ tich Hồ Chí Minh đã tạo thành một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ vào các phong trào công nhân, góp phần thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau khi nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được thành lập, mặc dù nền kinh tế hết sức khó khăn, nhưng Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng và ban hành các quy định thực hiện BHXH: Ngày 3/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ ký Sắc lệnh số 54- SL, ngày 14/6/1946 ký Sắc lệnh số 105- SL ấn định những điều kiện cho công chức về hưu. Từ năm 1947 - 1950, đất nước trong giai đoạn chống thực dân Pháp quyết liệt, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ký ban hành các sắc lệnh quy định thực hiện chế độ hưu trí cho công nhân viên chức: Sắc lệnh 29/SL ngaỳ 12/3/1947 quy định mối quan hệ gữa chủ với công nhân, ngày 20/5/1950 ký Sắc lệnh số 76 - SL quy định cụ thể hơn các chế độ trợ cấp hưu trí, ngày 22/5/1950 ký Sắc lệnh số 77 - SL quy định cụ thể các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất đối với công nhân. Chính sách BHXH lúc này tuy còn sơ khai nhưng đã phản ánh được những mặt tiến bộ về nguyên tắc có đóng BHXH mới được hưởng chế độ BHXH; mức hưởng phù hợp với mức đóng, với khả năng của quỹ BHXH và thấp hơn mức hưởng khi đang làm việc. Thực hiện các chế độ BHXH thời còn hạn chế, chủ yếu dưới dạng phụ cấp mang tính đảm bảo xã hội. Mặc dù vậy, đây là thời kỳ đánh dấu hình thành chính sách BHXH ở Việt Nam, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người lao động trong điều kiện đất nước vừa kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kiến quốc, đồng thời là cơ sở cho việc hình thành và phát triển chính sách BHXH trong các giai đoạn tiếp theo.
Sau khi hoà bình được lập lại (1954), miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BHXH được thực hiện hoá một bước nữa và ghi nhận ttrong bản Hiến pháp năm 1959: "Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức BHXH, cứu tế và y tế để đảm bảo cho người lao động được hưởng điều đó, Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương". Điều này được cụ thể hoá trong Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ban hành kèm theo Nghị định số 161/CP ngày 30/10/1964. Hai bản Điều lệ BHXH này có thể được coi là văn bản gốc đầu tiên quy định 6 chế độ BHXH ở nước ta: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mất sức lao động ; hưu trí và tử tuất.Trong giai đoạn này, hệ thống công đoàn cũng phát triển, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Công đoàn chăm lo các chế độ (Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mất sức lao động) . Còn Bộ Nội vụ nay là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chăm lo hưu trí và tử tuất. Có thể nói, đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, đất nước ta có hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ quy định về BHXH. Trong khoảng thời gian này cũng là thời điểm chứng kiến cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc "đi xa" đối với sự phát triển từ ý tưởng của Người về chính sách BHXH cho người lao động. Trước khi đi gặp cụ Các Mác - Lênin, Người đã căn dặn: "Đảng phải có kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" .
Học tập những tư tưởng và thực hiện những lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục triển khai thực hiện phát triển chính sách BHXH. Đến nay không chỉ dừng phát triển thêm chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà còn mở rộng ra mọi người lao động và đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều tham gia và được hưởng chế độ BHXH. Về mặt quản lý, Chính phủ đã thống nhất quản lý Nhà nước về BHXH và thành lập một hệ thống tổ chức BHXH từ trung ương đến địa phương để thực hiện chế độ và quản lý quỹ BHXH. Sự tập trung cho một ngành thực hiện, đây cũng là cơ sở tạo điều kiện cho sự nghiệp BHXH Việt Nam ngày càng ổn định và phát triển.
Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ, viên chức ngành BHXH, chúng ta tưởng nhớ đến Người với lòng biết ơn sâu sắc về những ý tưởng và đặt nền móng cho chính sách BHXH phát triển đến ngày hôm nay. Cũng xin nguyện suốt đời nỗ lực học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng để thực hiện tốt những lời dạy của Người, góp phần giữ vững nền an sinh xã hội của nước nhà./.
Thanh Vân
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...