Rút BHXH một lần: Được và mất
27/05/2022 10:38 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều lao động nghỉ việc, mất việc nên đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Theo thống kê của BHXH tỉnh Gia Lai, trong 4 tháng đầu năm 2022, tại tỉnh Gia Lai có 2.176 người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH 1 lần với tổng số tiền trên 66 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong tương lai những người lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu để đảm bảo cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già - độ tuổi thường gặp nhiều bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.
Tham gia BHXH - Đảm bảo an sinh lâu dài cho bản thân
Việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động (NLĐ) đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn thương nhất, hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động.
Nếu quyền lợi được đặt lên “bàn cân” thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ những lợi ích mà không có một khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Khi tham gia BHXH với việc bỏ ra số tiền 10,5% tiền lương hằng tháng (32% tổng quỹ), NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Đối với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 1.500.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 297.000 đồng (đã trừ 10% hỗ trợ của Nhà nước), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng tùy theo thời gian đóng BHXH của NLĐ. Mức hưởng lương hưu không phải ở mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Kể từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu, vì vậy, người hưởng lương hưu có thể hoàn toàn yên tâm vì lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia BHXH qua đời, được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Nhận BHXH một lần - Nhiều thiệt thòi cho NLĐ
Tuy nhiên, việc NLĐ lựa chọn nhận BHXH một lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân của Đảng và Nhà nước.
NLĐ sẽ không lường hết được những nguy cơ đánh mất nhiều quyền lợi về lâu dài của bản thân nếu nhận BHXH một lần như:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ lựa chọn hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Thứ hai, khi nhận BHXH một lần NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già, thậm chí chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Thân nhân của NLĐ không được hưởng chế độ tử tuất khi không may NLĐ qua đời.
Thứ ba, khi NLĐ đã nhận BHXH một lần, nếu tham gia BHXH lại sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó (do đã thanh toán hưởng thời gian tham gia BHXH), dẫn đến khi đủ tuổi nhận lương hưu có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu hoặc đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu nhưng mức lương hưu sẽ không cao.
Như vậy, so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho NLĐ, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và thực tế đã cho thấy, chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho NLĐ khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập.
Do vậy, NLĐ cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng, có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, không phụ thuộc vào con cháu, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
TVL
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...