Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước

27/08/2020 10:18 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, quy định chính sách BHXH tự nguyện cho mọi người lao động từ 15 tuổi trở lên, ở các thành phần kinh tế phi chính thức, mở ra cơ hội cho những người lao động tự do tham gia đóng BHXH. Đặc biệt, Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tiến tới mọi người lao động được tham gia BHXH, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi hết tuổi lao động, nhất là lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động khu vực phí chính thức, lao động tự do, tự tạo việc làm được tiếp cận với chính sách BHXH.

  Phao cứu sinh cho người lao động

 BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng quyền lợi về BHXH. Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH.

Người lao động hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn nhiều phương thức đóng khác nhau, đóng hàng tháng; đóng 3 tháng/lần; đóng 6 tháng/lần; đóng 12 tháng/lần; đóng 1 lần cho nhiều năm, nhưng tối đa không quá 5 năm; đóng một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 120 tháng. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ thêm mức đóng: Theo quy định tại Điều 14, Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện mức hỗ trợ như sau: 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần khi có đủ điều kiện về tuổi và số năm đóng BHXH, theo quy định của luật BHXH hiện hành thì trường hợp người tham BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm, có nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, thì được đóng 1 lần cho thời gian còn thiếu và thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Đột phá phát triển BHXH tự nguyện

Nhìn lại kết quả thực hiện BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, số lượng người tham gia ngày một tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước, quyền lợi của người tham gia được đảm bảo, nhiều người được thụ hưởng lương hưu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2008, năm đầu tiên thực hiện BHXH tự nguyện, toàn tỉnh Gia Lai có 12 người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu tập trung vào những lao động đã tham gia BHXH bắt buộc còn thiếu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, thì đến tháng 7 năm 2020, toàn tỉnh có 7.461 người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.459 người, tăng 2,65 lần so với kết quả của 10 năm thực hiện. Một số địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện cao như thành phố Pleiku 1.153 người; huyện Chư Prông 979 người; huyện Đăk Pơ 635 người.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, lao động thuộc khu vực nông nghiệp, cán bộ không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố, chưa được tham gia BHXH tự nguyện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, phụ thuộc lớn vào mùa vụ nông nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, sinh sống ở vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa nên nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện còn hạn chế, lao động thuộc khu vực phi nông nghiệp như xây dựng, công nghiệp, thương mại dịch vụ không ổn định, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện chưa đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục đưa chính sách đi vào cuộc sống

Nhằm tiếp tục đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, tiến tới thực hiện BHXH đa tầng, thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội, điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách; thực hiện BHXH cơ bản, bao gồm bảo BHXH và BHXH tự nguyện, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình số 68-CTr/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 03/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm túc Quyết định 266/QĐ-UBND ngày 06/6/2019 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 8/03/2018 của Chính phủ, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 25/10/2019 của UBND tỉnh.

Thứ hai, tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHXH tự nguyện đến mọi tầng lớp nhân dân, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, tập trung tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, để họ tích cực, tự giác tham gia.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác cải cách hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý; tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện đến từng thôn, làng, tổ dân phố, mỗi đại lý thu BHXH tự nguyện phải được công khai treo bảng hiệu, số điện thoại để người dân được tiếp cận tham gia, thực hiện tốt công tác giải quyết chính sách BHXH tự nguyện cho người tham gia đủ điều kiện thụ hưởng, có cơ chế huy động các nguồn lực hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người nghèo, người cận nghèo, để các nhóm đối tượng yếu thế xã hội được tiếp cận với chính sách ưu việc của nhà nước, để không một người lao động nào bị bỏ lại phía sau, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.

Trần Ngọc Tuấn-Trưởng phòng Quản lý thu BHXH tỉnh Gia Lai