Những bước chân âm thầm...
26/08/2020 07:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tuyên truyền BHXH, BHYT ở huyện Đăk Pơ
Đăk Pơ ngày trở lại Trong trí nhớ của tôi về chuyến đi cách đây gần 03 năm, Đắk Pơ hiện lên là một vùng đất trải dài mênh mông đồi mía với những người dân nhỏ bé cặm cụi chăm chỉ cả ngày bất chấp cái nắng cháy của Tây Nguyên. Thế nhưng giá mía đường lên xuống thất thường, thu nhập của họ chẳng được là bao và khó nói đến hai từ “ổn định”. Cứ nghe đến những đặc thù như: vùng núi Tây Nguyên, huyện nghèo nhất của Gia Lai... có lẽ khó người nào có thể tự tin làm lãnh đạo quản lý tại một địa bàn như vậy, nhất là lĩnh vực BHXH, BHYT với các yêu cầu chỉ tiêu chủ yếu là thu, phát triển đối tượng... liên tục tăng cao, năm sau hơn năm trước. Nhưng Giám đốc BHXH huyện Đắk Pơ lại là một người phụ nữ, chị Trần Thị Hồng Hạnh. Ấn tượng ngay khi vừa trao đổi về công việc, chị nói: ở Đăk Pơ, khó phát triển BHXH bắt buộc, ít doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh lại không mấy thuận lợi, có doanh nghiệp đóng thì sợ nợ đọng, sợ khó thu lắm; vậy nên chúng tôi chọn hướng đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phát triển mạnh nhóm này để mong đạt chỉ tiêu được giao. Một cách nghĩ có phần táo bạo ở thời điểm những năm trước và ngay cả với bây giờ vì vận động BHXH tự nguyện rất khó; nếu có thành công cũng mới chỉ là bước đầu, đòi hỏi sự cố gắng, bền bỉ trong nhiều năm liền cho đến khi họ nhận lương hưu mới thực sự thành công. Trở lại với Đắk Pơ, cho đến nay, hướng phát triển “khó” vẫn được người nữ Giám đốc kiên trì thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Nói là làm, Giám đốc BHXH huyện Đăk Pơ chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu sát xuống từng địa bàn dân cư. Tổ chức tuyên truyền chính sách vào các buổi tối – khi bà con đã đi làm nương về; sẽ vất vả hơn nhưng đó là cách khả thi nhất. Vậy là cứ khi hết giờ làm, chị và các anh em trong đơn vị lại kỳ cạch xách máy tính, máy chiếu, micro, loa đài... xuống từng xã. Đơn vị ít người, người này người kia bận con nhỏ, nên đa phần chị phải trực tiếp làm là chính. Chị chia sẻ: Mình là lãnh đạo, trực tiếp xuống tuyên truyền giải thích thì chính quyền địa phương và bà con cũng yên tâm tin tưởng hơn. Chỉ thương cậu lái xe, hầu như chuyến nào cũng phải đi, lo hết mảng việc hậu cần và cũng phải về muộn. Địa bàn vùng núi, có những xã cách trung tâm đến 40km, đường rất khó đi. Cứ tuyên truyền buổi tối lại phải đi xa thế trong khi hàng ngày vẫn giải quyết bấy nhiêu công việc, chắc chị cũng mệt lắm? Chị trả lời: Cứ thấy bà con ngồi kín hội trường, ngồi hết cả ngoài sân chăm chú nghe, không có tiếng nói chuyện và ồn ào, là mình thấy vui lắm. Có buổi chỉ dự trù khoảng hơn 100 người, nhưng bà con đến đông gấp đôi. Vậy là quên hết mệt mỏi. Từ những buổi tuyên truyền đông kín người tham dự như thế, số tham gia BHXH, BHYT tại mảnh đất nghèo khó Đăk Pơ dần tăng lên qua từng năm, như để không phụ lòng chị và tập thể viên chức BHXH huyện. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng 33% sau 08 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, trong đó, số tham gia BHYT hộ gia đình – nhóm khó vận động nhất, chiếm một tỷ lệ tăng trưởng đáng kể; từ 1.067 người tham gia năm 2012, hiện có 12.646 người tham gia, chiếm trên 90% dân số toàn huyện, tăng rất nhiều lần so với năm đầu triển khai Nghị quyết. Năm 2015, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện chỉ là 24 người; năm 2017 đạt 112 người; năm 2019 đạt 448 người; tính đến tháng 5/2020 là trên 500 người. Đáng nói hơn, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện có cả những người thuộc diện khó vận động nhất: 06 người thuộc hộ nghèo; 10 người thuộc hộ cận nghèo; hơn 30 người đồng bào dân tộc thiểu số. Cách làm của chị là không chỉ tuyên truyền, tác động một lần; hiệu quả cao hơn là sau mỗi buổi tuyên truyền, cần vận động người uy tín của thôn, làng tiếp tục tuyên truyền BHYT, BHXH tự nguyện cho người dân. Từ đầu năm 2020 đến nay, những tưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đến số người tham gia BHXH, BHYT nhưng các chỉ số vẫn tăng trưởng lạc quan. Cụ thể, số người tham gia BHYT tăng gần 1.500 người (gần 05%) so với năm 2019. Với BHXH tự nguyện, không chỉ giữ vững số người đã tham gia, BHXH huyện còn khai thác phát triển tham gia mới gần 100 người; riêng trong đợt cao điểm hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, BHXH Đăk Pơ vận động được gần 40 người . Điều đặc biệt là BHXH huyện Đăk Pơ thành công rất lớn trong việc “giữ chân” người tham gia BHXH tự nguyện, chị Hạnh chia sẻ với chút tự hào: có những người ở Đăk Pơ đã tham gia BHXH tự nguyện đến 10 năm, từ năm 2008 đến nay; hay có những trường hợp cả nhà tham gia đóng BHXH tự nguyện; có những người đã đi làm ăn xa hay ở huyện khác những vẫn duy trì đóng BHXH tự nguyện ở Đăk Pơ. Những hy sinh thầm lặng Ai đã từng đi vùng Tây Nguyên hẳn sẽ ấn tượng với sự mênh mông của những đồi cà phê, Đăk Pơ lại có nét rất riêng là bạt ngàn màu xanh của mía. Những con đường xa tít tắp, càng khiến chúng tôi thầm phục những buổi tuyên truyền không quản đêm ngày đến từng buôn làng của BHXH huyện Đắk Pơ. Cứ đi mải miết vậy, có lẽ nữ Giám đốc BHXH huyện Đắk Pơ cũng khó nhớ mình đã đến bao nhiêu làng, đi bao nhiêu cuộc tuyên truyền suốt mấy năm qua; niềm vui là khi nhìn vào những con số phát triển BHXH, BHYT tăng dần từng năm. Chị thương cán bộ lái xe phải về muộn mỗi lần xuống các địa bàn xa nhưng chính bản thân chị cũng đâu được về sớm trong khi lại là phụ nữ - phải lo toan quán xuyến công việc gia đình nhiều hơn. Bé con nhà mình trước cũng khóc ngặt lắm nhưng rồi cũng quen dần với yêu cầu công việc của mẹ, chịu khó ở nhà với ông bà ngoại, ngoan ngoãn ăn tối, học bài. Giờ cháu đang học lớp 3... Chị Hạnh chỉ chia sẻ đơn giản như vậy về tổ ấm nhỏ của mình; nhưng ít ai hình dung được sự hy sinh, cống hiến âm thầm của người phụ nữ này. Nhà cách xa cơ quan gần 15 km, hàng ngày đi lại cho công việc đã khá vất vả, trong khi lại phải thường xuyên đi tuyên truyền vận động buổi tối. Đó là còn chưa kể đến việc chồng chị công tác, làm việc ở nước ngoài từ nhiều năm nay, một tay chị quán xuyến hết việc nhà. Vậy mà không mấy khi thấy chị than vãn hay mệt mỏi; trái lại luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết mỗi khi nhắc đến từng lĩnh vực công tác. Thậm chí chị còn nhớ rất rõ chi tiết, hoàn cảnh gia đình của các trường hợp vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Bất kể ngày hay đêm, cứ có tin nhắn, cuộc gọi đến là chị chỉ đạo xử lý để đảm bảo quyền lợi hay ít nhất cũng trực tiếp tư vấn, trò chuyện để giải đáp những băn khoăn. Có lẽ cũng chính bởi sự tâm huyết của người lãnh đạo này nên người dân trên địa bàn càng thêm tin tưởng. Trong danh sách trên 500 người đang tham gia BHXH tự nguyện ở Đăk Pơ, chúng tôi thấy có những người đang ở độ tuổi khá cao - sinh năm 1962, 1963 và cả những người ở độ tuổi còn rất trẻ - sinh năm 2003, 2004. Vẫn còn không ít khó khăn, xuất phát từ đặc thù kinh tế, xã hội của huyện nghèo Đắk Pơ, dù vậy, với nền tảng đạt được từ việc gia tăng số người tham gia hằng năm, An sinh xã hội của người dân trên địa bàn hứa hẹn được bảo đảm ổn định. Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Trần Văn Lực đánh giá: các mặt công tác của BHXH huyện Đăk Pơ khá ổn định; bên cạnh chỉ số về phát triển đối tượng BHXH, BHYT liên tục tăng qua các năm, các chỉ số khác rất đáng ghi nhận; kế hoạch thu luôn được đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu. Ngoài ra, mặc dù là một huyện miền núi, có nhiều đặc thù khó khăn nhưng cải cách hành chính, thủ tục hành chính khá hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ giao dịch điện tử BHXH, BHYT tại đây đạt gần 100% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; hiện 8/8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện liên thông dữ liệu cấp thẻ BHYT trẻ em dưới 06 tuổi; bàn giao sổ sớm đạt 100% từ năm 2017... Những con số tích cực cho thấy công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT tại huyện Đăk Pơ đã và đang tạo được nền tảng vững chắc, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân trên địa bàn; tiếp tục tạo niềm tin từ phía người dân, doanh nghiệp về chính sách An sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.
Nguyễn Minh
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...