Công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất về truy đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai
14/08/2020 09:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện theo Điều 38 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT; Quyết định số 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017. Thời gian qua, BHXH tỉnh Gia Lai luôn chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt đối với lĩnh vực truy đóng cho người lao động do chậm báo tăng lao động được triển khai thường xuyên khi có phát sinh, đảm bảo đúng quy định, từ đó việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cũng như giải quyết các chế độ cho người lao động luôn được kịp thời.
Trong năm 2019, toàn tỉnh đã thực hiện 06 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 71 đơn vị, truy đóng cho 219 lao động, với tổng số tiền phải truy đóng trên 1.885,6 triệu đồng. Năm 2020, tính đến ngày 31/7/2020, đã thực hiện 04 cuộc thanh tra tại 28 đơn vị, truy đóng cho 56 lao động, với tổng số tiền truy đóng trên 600,6 triệu đồng.
Nhìn chung, qua công tác thanh tra hầu hết các đơn vị sử dụng lao động đã phối hợp tốt với cơ quan BHXH trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định, chấp hành nghiêm túc Quyết định thanh tra và kết luận thanh tra của Giám đốc BHXH tỉnh một cách kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp phải truy đóng với thời gian trên 48 tháng, cá biệt có đơn vị phải truy đóng cho 14 lao động với số tiền trên 125 triệu đồng, chủ yếu là tại các đơn vị xã, phường, thị trấn; từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia.
Theo giải trình của các đơn vị, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ kế toán chưa nắm bắt kịp thời về chính sách, chế độ BHXH, BHYT để tham mưu cho lãnh đạo triển khai kịp thời; một số chức danh kế toán làm việc kiêm nhiệm nhiều đơn vị, dẫn đến có sự chểnh mãng trong khâu kiểm tra, rà soát, đối chiếu. Bên cạnh đó, chuyên quản thu cơ quan BHXH chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đôn đốc đơn vị phối hợp thực hiện khâu đối chiếu kịp thời; công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra hồ sơ đóng, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động theo quy định triển khai chưa được thường xuyên, …
Việc chậm đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT đã vi phạm pháp luật theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (nay là Điểm c, Khoản 4, Điều 38 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ) và Khoản 2, Điều 57 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra khi truy thu, ngoài số tiền phải đóng, xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu lãi suất chậm đóng theo từng thời điểm, như bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH đối với việc chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN và bằng 02 lần mức lãi suất liên ngân hàng đối với việc chậm đóng BHYT. Đồng thời, trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu bị thiệt hại liên quan đến quyền lợi về chính sách BHXH, BHYT.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm đảm bảo kịp thời về quyền lợi cho người tham gia, trong thời gian đến các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Đối với đơn vị sử dụng lao động: Thủ trưởng các đơn vị luôn quan tâm và thường xuyên đôn đốc cán bộ mình tăng cường sự phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác đối chiếu về lao động, quỹ tiền lương, số thu nộp … nhằm phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Thực hiện nghiêm túc theo quy định tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH lần đầu cho người lao động”.
- Đối với cơ quan BHXH: Tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, quán triệt các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn nghiêm túc tổ chức thực hiện các quy định về chính sách BHXH, BHYT, nhất là đối với các đơn vị để xảy ra việc chậm đóng cho người lao động buộc phải truy thu. Hàng năm, cán bộ chuyên quản thu, cấp sổ-thẻ xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra hồ sơ đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ-BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT tại đơn vị sử dụng lao động ít nhất đạt 50% số đơn vị trên địa bàn theo đúng quy định tại Điều 39, Quyết định số 595/QĐ-BHXH. Thường xuyên kiểm tra, rà soát và đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đối chiếu hàng tháng theo mẫu số C12-TS.
Hy vọng rằng trong thời gian đến, các cơ quan, đơn vị sẽ chấp hành nghiêm túc chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; việc tổ chức thanh tra chuyên ngành về truy thu, truy đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động được hạn chế tối đa; quyền lợi của người lao động bảo đảm kịp thời, chính sách an sinh xã hội thực sự đi vào lòng dân./.
Đình Cường
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...