Lương hưu của người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm rất thấp

10/07/2020 08:10 AM


Trong giai đoạn hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, xác định là một trong những trụ cột chính của hê thống an sinh xã hội. "Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng – hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững" (Trích Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018). Đây chính là quan điểm chỉ đạo mang tính nhân văn rất sâu sắc của chính sách BHXH.

Chính sách BHXH hiện nay gồm 05 chế độ, gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Trong đó, chế độ hưu trí dù đã được sửa đổi, bổ sung cách tính lương hưu; lộ trình tăng điều kiện về tuổi đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí do suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 (hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) nhưng một bộ phận người lao động trong khu vực sản xuất vật chất, nhất là người lao động làm trong các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (gọi tắt là NNĐHNH) khi nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí có mức lương hưu rất thấp, một số trường hợp phải bù mới bằng mức lương cơ sở (đối với người có toàn bộ thời gian đóng BHXH bắt buộc), có trường hợp dưới mức lương cơ sở nhưng không được bù đủ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 780 người lao động nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí, trong đó có 135 người có độ tuổi dưới 50 tuổi, làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH, nghỉ việc hưởng lưởng hưu do suy giảm khả năng lao động, chiếm 17,30% tổng số người giải quyết chế độ hưu trí (10 người lao động có độ tuổi dưới 40 tuổi, 20 người có độ tuổi từ 40 đến dưới 45 tuổi, 105 người có độ tưởi từ 45 đến dưới 50 tuổi). Trong số những người nghỉ việc hưởng lương hưu dưới 50 tuổi, một số có mức lương hưu trên dưới 02 triệu đồng tháng, có những trường hợp dưới mức lương cơ sở phải tính bù đủ mức lương cơ sở, như trường hợp ông Vương Khá N, sinh tháng 8/1978, có 20 năm 02 tháng đóng BHXH, tỷ lệ hưởng 23%, mức lương hưu 1,151 triệu đồng, phải bù mới đủ 1,49 triệu đồng/tháng. Cá biệt có trường hợp ông Trần Văn D, sinh tháng 10/1982, công nhân khai thác mủ cao su (đặc biệt NNĐHNH), đóng BHXH 20 năm 03 tháng, bị suy giảm khả năng lao động 61%, tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 15%, lương hưu tính được trên 806 ngàn đồng, phải bù mới đủ mức lương cơ sở.

Kể từ tháng 01/2020 đến nay, nhất là giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm dừng hợp đồng lao động, trong đó, một bộ phận người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm, do làm việc trong điều kiện NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH (phổ biến trong các doanh nghiệp cà phê, cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai) nên bị suy giảm khả năng lao động, đủ điều kiện hưởng lương hưu, làm thủ tục đề nghị giải quyết chế độ hưu trí với mức lương hưu thấp. Vậy, nguyên nhân từ đâu, mức lương hưu của người lao động làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH lại thấp như vậy?

Trước hết, phải nói đến các quy định của chính sách BHXH. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu (không có điều kiện về tuổi đời). Tuy nhiên, phần lớn người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm đều có độ tuổi dưới 50, có trường hợp dưới 40 tuổi. Với thời gian đóng BHXH 20 năm, tỷ lệ lương hưu tính được là khá thấp (năm 2020, đối với lao động nam tỷ lệ hưởng lương hưu là 49%; lao động nữ là 55%); Nghỉ hưu trước tuổi, giảm trừ tỷ lệ mỗi năm trước tuổi là 2%, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi đối với người làm nghề, công việc NNĐHNH hoặc đặc biệt NNĐHNH là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, như vậy, nghỉ hưu ở độ tuổi dưới 50 tuổi sẽ bị giảm từ 10% đến 30%. Cụ thể, lao động nam làm nghề công việc đặc biệt NNĐHNH, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, nghỉ hưu ở tuổi 40 sẽ bị giảm đến 30%, đồng nghĩa tỷ lệ % mức hưởng lương hưu chỉ còn trên dưới 20%. Trong khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với công nhân trực tiếp làm công việc chăm sóc cao su, cà phê hoặc khai thác, chế biến mủ cao su không cao, phổ biến từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù tiền lương, thu nhập tháng đã đóng BHXH đã được điều chỉnh theo quy định, nhưng mức lương hưu cũng chỉ đạt trên dưới 2 triệu đồng/tháng, trong số đó có người dưới mức lương cơ sở phải tính bù đủ mức lương cơ sở như đã nêu ở trên.

Nguyên nhân thứ hai, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực cao su, cà phê là rất khó khăn, mất mùa, mất giá phải thu hẹp quy mô sản xuất, đặc biệt giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp này cho người lao động nghị việc không hưởng lương, tạm dừng hợp đồng lao động, nên người lao động có xu hưởng nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi.

Về phía người lao động, làm việc trong môi trường đặc biệt NNĐHNH từ 15 đến 20 năm, sức khỏe bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều người không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục làm việc do bệnh tật, môi trường độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động; doanh nghiệp khó khăn, việc trả lương thất thường, tiền lương thấp, thu nhập trở nên bấp bênh nên tâm lý muốn nghỉ việc! Mặc dù biết lương hưu thấp, nhưng khi hưởng lương hưu họ vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (do quỹ BHXH trích tiền đóng bảo hiểm y tế cho họ) để đi khám bệnh, chữa bệnh khi đau ốm, quyền lợi bảo hiểm hiểm y tế (95%) cao hơn khi đang làm việc đóng bảo hiểm y tế, quyền lợi khi đi khám bệnh, chữa bệnh (80%).

Làm thế nào để nâng cao mức tiền lương hưu của người lao động làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH? Người viết bài này mạnh dạn đưa ra một số ý kiến sau:

Thứ nhất, quyền lợi BHXH được thực hiện theo nguyên tắc "đóng – hưởng" và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Bởi vậy, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH phải tính đúng, tính đủ tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Nên xem xét lại quy định tỷ lệ % giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH.

Thứ hai, các đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ và chăm sóc thật tốt sức khỏe người lao động nói chung, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH nói riêng, đảm bảo sức khỏe để người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH với số năm cao hơn, tuổi cao hơn khi nghỉ hưu, tỷ lệ % mức hưởng cao hơn, tất yếu lương hưu sẽ cao hơn. Với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng, nếu tỷ lệ % mức hưởng lương hưu từ 60% đến 75% thì lương hưu đạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. 

Thứ ba, ngoài việc được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật, người lao động phải tự chăm sóc sức khỏe của mình; gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp, "đồng cam, cộng khổ" với doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, lợi nhuận tăng lên, tiền lương của người lao động chắc chắn sẽ tăng lên. Tiền lương tháng đóng BHXH cao, khi nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí, lương hưu sẽ cao hơn.

Thứ tư, Người sử dụng lao động và người lao động nên tham gia Chương trình hưu trí bổ sung theo quy định tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, để khi nghỉ việc người lao động có thêm khoản thu nhập từ Chương trình này.

Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH đến người lao động, đơn vị sử dụng lao động; nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động tham gia BHXH./.

Lê Hoàng