Trình tự xử lý đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH

10/11/2009 08:01 AM


Cơ quan BHXH trong quá trình kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH của đơn vị SDLĐ có thể làm đơn khởi kiện ngay ra Tòa hoặc thực hiện xử lý trước khi khởi kiện theo quy định tại Nghị định số 135/NĐ-CP (16/8/2007) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH

Việc khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) cố tình vi phạm là biện pháp để tỏ thái độ kiên quyết đối với hành vi xem thường pháp luật, được dư luận xã hội quan tâm và đồng tình.

Cơ quan BHXH trong quá trình kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH của đơn vị SDLĐ có thể làm đơn khởi kiện ngay ra Tòa hoặc thực hiện xử lý trước khi khởi kiện theo quy định tại Nghị định số 135/NĐ-CP (16/8/2007) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH và Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 của liên Bộ LĐTB&XH-Bộ Tài chính-Ngân hàng nhà nước. Trình tự xử lý này gồm các bước sau:

Bước 1: Lập biên bản về hành vi vi phạm

Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH của đơn vị SDLĐ cần lập ngay biên bản về vụ việc vi phạm. Biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm, nội dung cụ thể vụ việc, có đủ chữ ký, đóng dấu của chủ SDLĐ, công đoàn của đơn vị SDLĐ (nếu có), trưởng đoàn kiểm tra hoặc cơ quan BHXH.

Bước 2: Phối hợp, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính

Hết thời hạn ghi nhận trong biên bản về sai phạm kể trên, người SDLĐ không thực hiện nghĩa vụ với cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH có trách nhiệm làm văn bản đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH của người SDLĐ.

Bước 3: Kiến nghị áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp

BHXH tỉnh tổ chức theo dõi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người SDLĐ không tự nguyện truy nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đủ số tiền đóng, chậm đóng và lãi phát sinh vào quỹ BHXH thì có văn bản đề nghị Thanh tra Sở LĐ-TB & XH đề xuất với Chánh thanh tra Sở LĐ-TB & XH áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ BHXH.

Bước 4: Khởi kiện ra Tòa

Sau khi thực hiện các bước trên mà đơn vị SDLĐ không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH nộp đơn khởi kiện chủ SDLĐ vi phạm ra Tòa án.

Khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng tiền BHXH kéo dài là biện pháp cuối cùng trong quá trình xử lý các đơn vị SDLĐ vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. Đây là một quá trình phức tạp, phải giải quyết theo nhiều bước, tốn nhiều thời gian và công sức. Trước khi khởi kiện các đơn vị SDLĐ nói trên ra Tòa, cơ quan BHXH cần lưu ý thực hiện đúng theo các trình tự trên.

Sông Kôn