Lương tối thiểu vùng cần tăng phù hợp với chi phí sinh hoạt
18/04/2025 04:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc.
Cải thiện đời sống cho người hưởng lương
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết liên quan đến điều chỉnh mức lương cơ sở, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024. Mức lương này áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được NSNN hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ở xã, phường, thị trấn, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, và lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 1/7/2024, là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Mức điều chỉnh đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các Bộ, ngành Trung ương và UBND các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách tiền lương, lương hưu, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo đúng quy định. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao, góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp đối với các đối tượng liên quan; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban nhận thấy rằng đến nay, theo yêu cầu của Nghị quyết chưa có kết quả rà soát, hoặc đề xuất sửa đổi khung khổ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các quy định có liên quan đến việc thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Báo cáo cũng chưa làm rõ những phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Vì vậy, Thường trực đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu chi tiết về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương để triển khai triệt để định hướng tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, cần lưu ý thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm một cách thực chất, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập…
Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý rằng cải cách tiền lương là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, chính trị. Do đó, cần quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia. Đồng thời, lưu ý về nguồn lực tài chính trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành, hoặc khu vực khi áp dụng rộng rãi.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung này sẽ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Đây là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ thông tin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan tham gia thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo. Trong đó, lưu ý một số nội dung như: Rà soát, cập nhật thông tin, số liệu để đảm bảo tính chính xác và thống nhất. Tiếp tục rà soát, bổ sung những kết quả, những bất cập, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, làm rõ nguyên nhân và có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cùng với đó, cần dự báo những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Ủy ban Văn hóa và Xã hội được giao hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra chính thức, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Theo Nguyệt Hà (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...