Bảo đảm công tác khám chữa bệnh, không để thiếu thuốc dịp Tết Ất Tỵ
08/01/2025 03:32 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, trong đó yêu cầu các cơ sở y tế trực 24/24, tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, giám sát phát hiện sớm dịch bệnh từ cửa khẩu, không để thiếu thuốc, đẩy giá thuốc lên cao... dịp Tết Ất Tỵ.
Theo đó đối với đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành, Bộ Y tế yêu cầu xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2025, trong đó phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo và nhân viên đơn vị theo quy định. Tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, các điều kiện cần thiết để hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu y tế hoạt động ổn định; Thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng trực chống dịch và cán bộ y tế công tác tại đơn vị;
Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an triển khai các phương án bảo đảm công tác an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm, phòng chống cháy nổ và vi phạm pháp luật tại các cơ sở y tế; khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ Tết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Bộ Y tế yêu cầu theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng... trong dịp Tết Ất Tỵ
Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh dịp Tết Nguyên Đán năm 2025; huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết; Tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam;
Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; Xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết.
Trong công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ; Bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Quán triệt nhân viên y tế thực hiện tốt nội quy, quy định của bệnh viện, nâng cao ý thức phục vụ, văn hóa ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị; Thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách...
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh triển khai Kế hoạch số 1751/KH-BCĐTƯATTP ngày 18/12/2024 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025;
Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm đối với người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán, mùa lễ hội; tuyên truyền công tác quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với đặc thù của địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm...
Huy động nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2025;
Tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Cùng đó, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền;
Tăng cường truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm, không lạm dụng rượu, bia trong dịp Tết và lễ hội; truyền thông phòng, chống sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Cũng tại Chỉ thị, Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh;
Bảo đảm điều kiện cần thiết triển khai đội phản ứng nhanh và các phương tiện, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết;
Thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa. Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý Dược hướng dẫn các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông Xuân (Sốt xuất huyết, cúm A, Sởi,...).
Hướng dẫn các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; rà soát, hậu kiểm để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc, không để xảy ra tình trạng găm hàng đẩy giá thuốc lên cao trái quy định...
Theo Mạnh Trần (nhandan.vn)
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...
Từ 2025 đối tượng nào được BHYT thanh toán chi ...
Vinh quang Ngành BHXH_văn nghệ chào mừng HN triển ...