Quy định rõ trường hợp không hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước lương hưu
20/08/2024 01:41 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nhiều đơn vị đề nghị cần quy định rõ trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước khi đủ điều kiện nhận lương hưu nhưng chưa hưởng.
Góp ý về trợ cấp thất nghiệp tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, UBND Lạng Sơn, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Long An đề nghị quy định rõ trường hợp "người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu" thì không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Về đề xuất này, cơ quan soạn thảo dự Luật đã tiếp thu và bổ sung theo hướng quy định "người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc".
Bên cạnh đó, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) còn đề nghị loại bỏ quy định "người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu" không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên quy định trên nhằm loại trừ các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (điều kiện đủ về số năm tham gia bảo hiểm xã hội và đủ tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội) nhưng chưa có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí, mà hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% bình quân tiền lương đóng (Ảnh: Khánh Hồng).
Dự thảo Luật còn quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố.
Về vấn đề này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định về mức hưởng nên giữ nguyên ở dự Luật. Bởi mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành (60% mức bình quân tiền lương) là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất đối với những người đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên vì bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro.
Mặt khác, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng.
Trong khi mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng không quá 20 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại dự thảo Luật. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng như vậy những người lương cao sẽ đóng cao hưởng ít, chưa đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng của chính sách.
Về việc này, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành. Bởi, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, mang tính chia sẻ rủi ro cao, đồng thời, kế thừa quy định tại Luật 2013.
"Việc quy định mức trần hưởng trợ cấp thất nghiệp phù hợp với nguyên tắc bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị mất việc làm, đồng thời, đảm bảo khả năng cân đối thu chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay.
Theo Hoa Lê (dantri.com.vn)
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...