Đi cấp cứu, trình thẻ BHYT trễ có được BHYT chi trả không?
12/08/2024 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khi đi cấp cứu, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh trước khi ra viện là được hưởng quyền lợi như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể điều trị ở bất cứ cơ sở y tế nào vẫn được hưởng BHYT đúng tuyến (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Nhiều trường hợp xảy ra tai nạn bất ngờ, người bệnh được chuyển đến bệnh viện cấp cứu mà không có thẻ BHYT để xuất trình, đăng ký khám chữa bệnh.
Anh Lộc thắc mắc: "Trong trường hợp bị tai nạn phải vào cấp cứu gấp lúc 3h nhưng đến 5h người nhà mới mang thẻ đến cơ sở y tế để quét thẻ thì làm thế nào để người bệnh vẫn được hưởng BHYT?".
Trường hợp con anh Tuấn đăng ký khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện, đang đi đường thì khó thở, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện tuyến trung ương.
Sau khi cấp cứu, chụp cắt lớp xác định người bệnh bị tràn khí phổi, cho thở máy và mổ cấp cứu vào hôm sau.
Thời điểm nhập viện là đêm khuya thứ 7, anh Tuấn không làm giấy chuyển tuyến cho con được. Đến hôm sau anh đến bệnh viện mà con mình đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu để làm giấy chuyển tuyến nhưng không được vì cháu đã nhập viện vào bệnh viện tuyến trung ương.
Anh Tuấn hỏi: "Như vậy con tôi có được hưởng bảo hiểm cấp cứu không? Bệnh viện tuyến trung ương cho con tôi hưởng BHYT theo diện trái tuyến có đúng không?".
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Điều 28 Luật BHYT quy định trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh trước khi ra viện.
Do đó, trường hợp anh Lộc được cơ sở khám chữa bệnh xác nhận đến khám chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu thì chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh trước khi ra viện là được hưởng quyền lợi như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
BHXH Việt Nam hướng dẫn thêm: "Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh có thể xuất trình căn cước công dân hoặc căn cước công dân trên ứng dụng VNeID đã được định danh điện tử mức độ 2 hoặc có thể xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT khi làm thủ tục khám chữa bệnh".
Về trường hợp của con anh Tuấn, theo BHXH Việt Nam thì vẫn được hưởng BHYT bình thường nếu được xác định là trường hợp cấp cứu.
BHXH Việt Nam cho biết: "Việc xác định tình trạng cấp cứu thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bác sĩ khám, điều trị và cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân".
Như vậy, trường hợp bệnh viện tuyến trung ương mà con anh Tuấn nhập viện điều trị xác nhận là nhập viện trong tình trạng cấp cứu thì cháu bé sẽ được quỹ BHYT chi trả như trường hợp đúng tuyến, tức là chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT của bệnh nhân.
Theo Tùng Nguyên (dantri.com.vn)
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...